Bộ Nội vụ đang xin ý kiến các cấp có thẩm quyền về 5 thang bảng lương và 9 nhóm phụ cấp chức vụ lãnh đạo, quản lý cùng các chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang. Một trong những nội dung về cải cách tiền lương là bảo lưu tiền lương, đảm bảo thu nhập của cán bộ, công chức khi chuyển sang lương mới không thấp hơn lương cũ.
Đảm bảo lương của cán bộ quản lý không thấp hơn mức cũ
Để thực hiện chính sách cải cách tiền lương, Bộ Nội vụ đã phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và một số các cơ quan liên quan xây dựng 5 hệ thống thang bảng lương.
Thứ nhất là bảng lương chức vụ đối với các chức danh lãnh đạo trong hệ thống chính trị từ Trung ương cho đến cấp xã.
Thứ hai, xây dựng hệ thống bảng lương chuyên môn, tức là những cán bộ, công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo, quản lý.
Và 3 bảng lương trong lực lượng vũ trang, trong đó có những người làm công tác cơ yếu. Đó là bảng lương áp dụng đối với sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân. Bảng lương quân nhân chuyên nghiệp quân đội, chuyên môn kỹ thuật công an. Bảng lương công nhân quốc phòng, công nhân công an.
Theo Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh, Bộ Nội vụ đã cùng với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện hồ sơ để báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến về các nội dung cơ bản của các cải cách chính sách tiền lương.
“Có mấy vấn đề chúng tôi cần phải xin ý kiến, đó là thống nhất cho 5 thang bảng lương và 9 nhóm phụ cấp chức vụ lãnh đạo, quản lý và các chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức lực lượng vũ trang. Vấn đề thứ hai là việc thực hiện bảo lưu tiền lương cũng như thu nhập đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. Khi chúng ta thực hiện việc xếp lương, nếu lương mới thấp hơn lương cũ, cho phép bảo lưu lương theo tinh thần Nghị quyết 27”, ông Vũ Đăng Minh cho biết.
Sớm hoàn thiện việc xây dựng được vị trí việc làm
Để bảo đảm đối tượng cán bộ, công chức này có đời sống đáp ứng được ở một mức tiền lương cố định, Bộ Nội vụ đang xin ý kiến Bộ Chính trị một mức lương khoảng trên 5 triệu đồng/tháng, tức là lương tối thiểu vùng áp dụng với các đối tượng này. “Khi chúng ta cải cách tiền lương thì đảm bảo những người có thu nhập thấp nhất cũng không thấp hơn 5 triệu đồng”, ông Vũ Đăng Minh thông tin.
Ngoài ra, Bộ Nội vụ cũng đang xin ý kiến việc thực hiện mức khoán bằng số tiền cụ thể đối với cán bộ công chức, đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã để áp dụng mức khoán đối với cán bộ chuyên trách chính quyền cơ sở.
Để đảm bảo nguồn cải cách tiền lương, ông Vũ Đăng Minh khẳng định Bộ Nội vụ kiên trì sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn và tiếp tục tinh giản biên chế, tăng nguồn cho cải cách tiền lương.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) cho biết, nội hàm cơ bản nhất của cải cách chính sách tiền lương lần này là trả lương theo vị trí việc làm, chức vụ và chức danh của cán bộ lãnh đạo. Để tiến hành xây dựng hệ thống thang bảng lương thì việc quan trọng đầu tiên là phải xây dựng được vị trí việc làm.
Theo đại biểu, cần có cơ chế tạo động lực để công chức, viên chức thể hiện năng lực, trách nhiệm, tận tụy, tâm huyết, nỗ lực phấn đấu, rèn luyện và cống hiến. Trong đó, các địa phương có điều kiện phát triển kinh tế cần có các chính sách hỗ trợ phù hợp, ngoài các chính sách chế độ tiền lương chung của công chức, viên chức.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra ngày 4.5, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu chuẩn bị kỹ, báo cáo cấp có thẩm quyền để thực hiện cải cách tiền lương mới từ ngày 1.7, bảo đảm công bằng, tổng thể, thống nhất. Có lộ trình phù hợp điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, các dịch vụ công; không tăng giá đột ngột, không tăng giá nhiều mặt hàng trong cùng một thời điểm, không tăng giá vào thời điểm tăng lương.
(Nguồn: https://laodong.vn/cong-doan/bao-dam-yeu-cau-tien-do-thuc-hien-che-do-tien-luong-moi-tu-ngay-17-1336658.ldo)