Công đoàn Việt Nam đồng hành với Chính phủ: Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

(LĐTĐ) Công đoàn các cấp sẽ phối hợp với chính quyền, doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh theo hướng tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên; thực hành tiết kiệm; nâng cao nhận thức của người lao động về biến đổi khí hậu; bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp… qua đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước.

Tập trung 6 nhiệm vụ, giải pháp

Đồng chí Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa ký ban hành Chương trình “Công đoàn Việt Nam đồng hành với Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước giai đoạn 2019 - 2023”.

Chương trình nhằm hướng tới tuyên truyền, vận động đoàn viên công đoàn, người lao động nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng làm việc, tinh thần trách nhiệm, năng động, sáng tạo, hăng say lao động, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc; đổi mới tác phong, ý thức chấp hành pháp luật và kỷ luật lao động, đóng góp thiết thực vào sự phát triển bền vững của từng doanh nghiệp và sự lớn mạnh của cơ quan, đơn vị, từ đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước.

cong doan viet nam dong hanh voi chinh phu nang cao nang luc canh tranh quoc gia
Nâng cao năng suất lao động và đổi mới công nghệ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. (ảnh minh họa)

Thông qua Chương trình, khẳng định vai trò, vị thế của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong hệ thống chính trị, trong sự phối hợp và đồng hành với Chính phủ; tiếp tục khẳng định sự đóng góp quan trọng của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các cấp công đoàn nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cụ thể, Công đoàn Việt Nam sẽ tập trung vào 6 nhiệm vụ, gồm: Một là tuyên truyền để nâng cao nhận thức và giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam; hai là nâng cao chất lượng tham gia xây dựng chính sách, pháp luật và kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện; tham gia xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp; ba là tổ chức các phong trào thi đua yêu nước thiết thực và rộng khắp; bốn là tham gia cùng cấp ủy, chính quyền, doanh nghiệp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; năm là đồng hành cùng doanh nghiệp thực hiện tốt công tác chăm lo phúc lợi, lợi ích cho đoàn viên và người lao động, tạo động lực làm việc hiệu quả; sáu là duy trì và tổ chức thực hiện tốt Chương trình phối hợp với Chính phủ và các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương.

Tổ chức các phong trào thi đua thiết thực và rộng khắp

Với quyết tâm thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đảng và các chiến lược, chương trình, kế hoạch của Chính phủ về phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết: Tổng Liên đoàn sẽ phát động, tổ chức thực hiện bài bản, chất lượng các phong trào thi đua yêu nước trong công nhân, viên chức, lao động gắn với nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và từng cá nhân; phát huy tinh thần năng động, sáng tạo của đoàn viên và người lao động hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Cụ thể, Công đoàn các cấp tập trung đầu tư phát động và triển khai thực hiện các phong trào thi đua: “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”; “Năng suất cao hơn, chất lượng tốt hơn”; “Tham mưu giỏi, phục vụ tốt”; “Đổi mới, sáng tạo, hiệu quả trong hoạt động của tổ chức Công đoàn”, thiết thực góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, hiệu quả công tác, xây dựng nền hành chính hiện đại, minh bạch, nâng cao sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp về các dịch vụ công, dịch vụ xã hội.

Đẩy mạnh hưởng ứng và triển khai thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua, cuộc vận động do Thủ tướng Chính phủ phát động như: Phong trào “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, "Công đoàn đồng hành vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp vì việc làm, đời sống của công nhân lao động”, Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; Phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”; Phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”… Đẩy mạnh phong trào thi đua liên kết trên các công trình trọng điểm.

Các cấp công đoàn tập trung tuyên truyền, vận động đoàn viên công đoàn và người lao động thực hiện tốt các cuộc vận động: “Cán bộ, công chức, viên chức nói không với tiêu cực”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Kế hoạch tăng trưởng xanh trong các cấp công đoàn giai đoạn 2014 - 2020; các dự án liên quan như Tăng trưởng xanh, Better Work, phong trào “Xanh - Sạch - Đẹp, Bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”, hoạt động “Lối sống xanh”, “Xanh hóa sản xuất” và phong trào 3T (tiết kiệm, tái chế, tái sử dụng) trong các cấp công đoàn. Đổi mới việc xét chọn, tôn vinh và trao tặng Giải thưởng “Doanh nghiệp vì người lao động”, “Công nhân lao động vì môi trường”…

Gắn việc thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động với việc nâng cao ý thức tự giác chấp hành kỷ luật lao động, an toàn lao động, thực hiện 5S (sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc, sẵn sàng), bảo đảm môi trường làm việc xanh - sạch - đẹp góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm; bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người lao động, tài sản nhà nước, doanh nghiệp, nâng cao thu nhập cho người lao động và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp với mục tiêu “Năng suất cao hơn, phúc lợi tốt hơn”.

Qua thi đua, Công đoàn các cấp phát hiện, đề xuất kịp thời các hình thức tôn vinh và khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc trong thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động nói chung và Chương trình “Công đoàn Việt Nam đồng hành với Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước” nói riêng.

Các chỉ tiêu phấn đấu thực hiện trong Chương trình

* 100% tổ chức Công đoàn các cấp tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ, đoàn viên công đoàn, người lao động hiểu về nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước.

* 100% Liên đoàn Lao động cấp tỉnh, cấp huyện và Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng công ty trực thuộc ký kết chương trình hoặc quy chế phối hợp công tác với chính quyền, cơ quan chuyên môn đồng cấp.

* Tham gia xây dựng 100% các văn bản chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và hoạt động của doanh nghiệp theo yêu cầu, đảm bảo chất lượng, tiến độ.

* 100% Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương hưởng ứng, triển khai thực hiện các phong trào thi đua do Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động, đồng thời tổ chức được ít nhất một (01) phong trào thi đua mang tính đặc thù của địa phương, ngành nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững doanh nghiệp, ngành, địa phương.

* 100% tổ chức Công đoàn các cấp tổ chức tuyên truyền, vận động đoàn viên, người lao động tích cực học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng làm việc, đổi mới tác phong, chấp hành pháp luật và kỷ luật lao động; đến năm 2023 có ít nhất 70% công đoàn cơ sở có các hình thức phối hợp với chính quyền, cơ quan chuyên môn tổ chức các chương trình tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đoàn viên, người lao động, phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế và nền kinh tế số.

* 100% tổ chức Công đoàn các cấp tổ chức các hoạt động chăm lo lợi ích, tạo động lực để đoàn viên, người lao động hăng say làm việc, gắn bó với tổ chức công đoàn.

* Hàng năm, có từ 90% trở lên công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở xây dựng kế hoạch, chương trình giám sát, phản biện xã hội và triển khai có hiệu quả kế hoạch, chương trình đã đề ra.

Bảo Duy (Báo Lao Động Thủ Đô)

(Nguồn: http://www.congdoan.vn/tin-tuc/hoat-dong-cong-doan-3569/cong-doan-viet-nam-dong-hanh-voi-chinh-phu-nang-cao-nang-luc-canh-tranh-quoc-gia-420812.tld)

Date : 09-09-2019
Tags:

Bài viết liên quan