Thông tin chốt trình Chính phủ mức tăng lương tối thiểu vùng 6% từ ngày 1.7.2024 khiến nhiều người lao động rất vui mừng. Họ hy vọng thời gian tới sẽ sớm được tăng lương cơ bản tương ứng với mức tăng lương tối thiểu vùng để cuộc sống của họ vơi bớt khó khăn.
Tin vui với công nhân
Những ngày cuối năm 2023, chị Lê Thị Huyền - công nhân Khu công nghiệp Thăng Long (huyện Đông Anh, TP Hà Nội) không khỏi bồn chồn, lo lắng; nỗi lo càng tăng khi dịp Tết Nguyên đán cận kề. Bởi, mức lương chỉ khoảng 7 triệu đồng/tháng với thời gian làm công nhân hơn 17 năm không đủ để chị chi tiêu trong gia đình.
Biết thông tin đề xuất mức tăng lương tối thiểu 6% từ 1.7.2024, chị Huyền cảm thấy được an ủi phần nào. “Tôi làm công nhân lâu năm mà lương chỉ được từng ấy, với những công nhân mới vào nhà máy lương chỉ khoảng 4-5 triệu đồng/tháng. Tăng lương là niềm vui chung của tất cả công nhân, không riêng mình tôi” - chị Huyền bộc bạch.
Cách đây khoảng 3 năm, chị Huyền “làm không hết việc”, công ty nhiều đơn hàng, hầu hết công nhân được tăng ca, làm thêm. Thu nhập của chị có tháng lên đến 14 triệu đồng.
Dịch COVID-19 và ảnh hưởng của suy thoái kinh tế đã khiến công ty nơi chị Huyền làm việc phải cắt giảm hơn 30% lao động, số người còn lại chỉ được đi làm ca hành chính (từ 8h-16h), không còn chia 3 ca như trước.
Chị Nguyễn Thị Đình Ninh đang làm công nhân tại công ty dệt trên địa bàn thành phố Phúc Yên (tỉnh Vĩnh Phúc) - nơi đang áp dụng lương tối thiểu vùng 2 (4.160.000 đồng).
“Hiện tôi đang được trả lương cơ bản là 4,5 triệu đồng/tháng. Cộng với tiền làm thêm, tổng thu nhập được khoảng 6 triệu đồng/tháng” - chị Ninh cho hay.
Theo chị Ninh, việc được tăng lương tối thiểu 6% là tin vui với nhiều công nhân như chị.
Là cơ sở đàm phán lương cơ bản
Trao đổi với phóng viên sáng 21.12, bà Nguyễn Thị Thúy Hà - Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh Vĩnh Phúc - cho biết, trong và sau thời gian dịch COVID-19, tình hình sản xuất của doanh nghiệp bị ảnh hưởng, đơn hàng suy giảm; doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, phải hoạt động cầm chừng.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn cố gắng tìm đơn hàng để tạo việc làm cho người lao động, tránh cho họ bị nghỉ việc không lương. Chính vì vậy, số lượng công nhân mất việc làm, phải chấm dứt hợp đồng lao động không nhiều.
Trong bối cảnh đó, Tổng LĐLĐVN tham gia trong Hội đồng Tiền lương Quốc gia để thương lượng được phương án tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1.7.2024.
“Mức tăng này chưa đáp ứng được mong mỏi của người lao động vì lương tối thiểu vùng hai năm qua chưa tăng. Tuy nhiên, thời gian qua nhiều doanh nghiệp hoạt động cầm chừng; nền kinh tế Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung gặp khó khăn, nên mức tăng này thể hiện sự chia sẻ với doanh nghiệp” - bà Hà nói.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh Vĩnh Phúc, trên địa bàn tỉnh, lương cơ bản của hầu hết công nhân lao động đã cao hơn mức lương tối thiểu vùng áp dụng trên địa bàn, với mức cao hơn ít nhất là 12%.
Bà Hà nói thêm, hiện nay lương tối thiểu vùng mới chỉ đáp ứng được tối đa 50% mức sống tối thiểu của người lao động. Tại các doanh nghiệp, bên cạnh lương cơ bản còn có các khoản phúc lợi, chế độ khác để người lao động đảm bảo cuộc sống và gắn bó với doanh nghiệp.
“Việc tăng lương tối thiểu vùng là căn cứ để doanh nghiệp đóng BHXH cho người lao động cũng như là căn cứ tính các khoản tiền thưởng, phụ cấp khác cho công nhân lao động. Ngoài ra, để công đoàn cơ sở có phương án thương lượng, đàm phán với chủ sử dụng tăng lương cơ bản cho người lao động” - bà Nguyễn Thị Thúy Hà - Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh Vĩnh Phúc nói.
https://laodong.vn/cong-doan/tang-luong-toi-thieu-vung-cong-nhan-voi-bot-kho-khan-1283001.ldo
HẠNH AN - BẢO HÂN (BÁO LAO ĐỘNG)
(Nguồn: http://www.congdoan.vn/tin-tuc/hoat-dong-cong-doan-3569/tang-luong-toi-thieu-vung-cong-nhan-voi-bot-kho-khan-848142.tld)