TPHCM - Hội thảo lấy ý kiến về một số vấn đề lớn trong Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) do Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức sáng 8.4 với sự tham gia của gần 100 đại biểu Quốc hội, cán bộ Công đoàn các tỉnh, thành phía Nam.
Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thúy Anh - Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội - nhấn mạnh việc sửa đổi Luật Công đoàn lần này là cơ hội để có thể hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến hoạt động công đoàn.
Ủy ban Xã hội luôn thống nhất quan điểm cần sửa đổi Luật Công đoàn phải thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các văn kiện của Đảng và Hiến pháp 2013, tiếp tục làm rõ những vấn đề mới có liên quan đến vị trí, vai trò, tổ chức, hoạt động của tổ chức công đoàn, hoạt động công đoàn phải đảm bảo sự lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện của Đảng, phù hợp với thể chế chính trị của đất nước, yêu cầu hội nhập quốc tế.
Công đoàn Việt Nam phải xứng đáng là tổ chức đại diện lớn nhất, trung tâm tập hợp, đoàn kết giai cấp công nhân và người lao động cả nước; góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, là lực lượng tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ phát triển nhanh và bền vững đất nước, khẳng định mình và vươn lên trước những thách thức do sự biến động của thị trường lao động, việc làm, việc cho phép thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, việc thu hút, tập hợp người lao động....
Đồng thời, xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, có năng lực thích ứng và giải quyết các vấn đề đặt ra, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của một tổ chức chính trị - xã hội đại diện cho người lao động trong tình hình mới và cần phải hài hòa lợi ích giữa người lao động và doanh nghiệp.
Hội nghị đã nghe đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam trình bày một số nội dung cơ bản trong Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) và nghe các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các đại biểu, cho dự thảo luật...
NAM DƯƠNG
(nGUỒN: https://laodong.vn/cong-doan/gop-y-kien-ve-du-an-luat-cong-doan-sua-doi-1324786.ldo)