Sau sáu năm thực thi, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 đã bộc lộ nhiều bất cập. Thời gian đóng quá dài, tối thiểu 20 năm mới được hưởng lương hưu tỷ lệ 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội, nhiều lao động khó khăn trong cuộc sống không chờ được đến thời gian lấy lương hưu nên chọn rút bảo hiểm xã hội một lần. Người đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện chỉ được hưởng chế độ hưu trí, tử tuất, không có ốm đau, thai sản.
Liên quan đến đề xuất giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội, ông Trần Hải Nam - Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội - cho biết, việc sửa luật, rút ngắn thời gian đóng bảo hiểm xã hội nhằm tăng độ bao phủ chính sách an sinh, phù hợp với xu hướng chung của thế giới.
Về chính sách mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng bảo hiểm xã hội, dự luật sẽ sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, tiến tới còn 10 năm.
"Mục đích tạo điều kiện cho người lao động tham gia bảo hiểm xã hội muộn, có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội ngắn được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội"- ông Nam nói.
Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo sẽ đưa vào Luật Bảo hiểm xã hội các chính sách để khuyến khích, tạo điều kiện cho người lao động tham gia đóng góp để hưởng lương hưu thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần, bên cạnh việc cho phép người lao động được tiếp tục hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu có nhu cầu.
Ông Nam cho hay, còn về việc gia tăng số người rút bảo hiểm xã hội 1 lần trong thời gian qua, một phần do dồn hồ sơ từ các tháng giãn cách xã hội do dịch COVID-19 nên đến thời điểm đầu năm 2022 mới đến cơ quan Bảo hiểm xã hội để làm thủ tục rút.
Tuy nhiên, từ khoảng tháng 4 trở lại đây, khi việc làm ổn định trở lại thì tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần đã giảm hẳn. Từ nhiên, ghi nhận từ thực tế, cơ quan soạn thảo về Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi tiếp thu ý kiến từ người lao động để đề xuất việc giảm thời gian đóng từ 20 năm xuống 15 năm để nhiều người có cơ hội nhận được lưu hưu hơn.
Dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 6, tháng 10.2023; thông qua vào kỳ họp thứ 7, tháng 5.2024 và có hiệu lực từ ngày 1.1.2025.
ANH THƯ
(Nguồn: https://laodong.vn/cong-doan/nhieu-nguoi-khong-cho-duoc-khi-dong-20-nam-moi-co-luong-huu-1053261.ldo)