Sửa đổi Điều lệ Công đoàn Việt Nam để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới

Ngày 4.6, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) tổ chức Hội thảo lấy ý kiến các đồng chí nguyên lãnh đạo Tổng LĐLĐVN về dự thảo Điều lệ Công đoàn Việt Nam (sửa đổi, bổ sung).

 

Sửa đổi Điều lệ Công đoàn Việt Nam để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới
Hội thảo lấy ý kiến các đồng chí nguyên lãnh đạo Tổng LĐLĐVN về dự thảo Điều lệ Công đoàn Việt Nam (sửa đổi, bổ sung). Ảnh: Quế Chi

 

Đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng cao hơn của người lao động  

Ông Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN; ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN và ông Huỳnh Thanh Xuân - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN chủ trì hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Đình Khang cho biết, mỗi kì đại hội công đoàn, Điều lệ Công đoàn Việt Nam đều được quan tâm nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế của từng giai đoạn lịch sử cũng như phù hợp với các quy định của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

“Quá trình thực hiện các quy định của điều lệ đã phát huy tác dụng ở các cấp công đoàn, đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của cán bộ, đoàn viên và người lao động” - Chủ tịch Tổng LĐLĐVN khẳng định.

Trước nhiều yêu cầu mới đặt ra, nhất là nhu cầu, nguyện vọng cao hơn của đoàn viên, người lao động; với khát vọng phát triển đất nước hùng cường; hội nhập quốc tế ngày càng sôi động, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, đường lối chính sách pháp luật để thể chế hóa, cụ thể hóa cho phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước trong tình hình mới, trong đó có nhiều vấn đề liên quan trực tiếp đến tổ chức Công đoàn, đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động.

“Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 02 với những yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp rất cụ thể để đổi mới tổ chức, hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới.

Bên cạnh đó, Bộ luật Lao động 2019 đã quy định hành lang pháp lí cho phép tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp thành lập và hoạt động độc lập bên cạnh tổ chức Công đoàn Việt Nam; nhiều vấn đề mới nảy sinh trong quá trình phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4… Những vấn đề chưa có tiền lệ đối với tổ chức Công đoàn thì cần nghiên cứu, cụ thể hóa để đưa vào Điều lệ sửa đổi, bổ sung trình Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam” - Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN - Trần Thanh Hải cho biết, Điều lệ Công đoàn Việt Nam cần được sửa đổi để thích ứng với tình hình mới.

 

Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở  

Góp ý tại hội thảo, bà Cù Thị Hậu - nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - cho rằng, trong tình hình hiện nay, người lao động đang gặp nhiều khó khăn, điều họ quan tâm nhất, cần nhất là vấn đề việc làm, thu nhập để nuôi gia đình, lo việc học tập của con... Đây cũng là vấn đề lớn đặt ra đối với tổ chức Công đoàn.

“Trước tình hình hiện nay, nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động phải là nhiệm vụ hàng đầu của công đoàn, để xứng đáng là tổ chức lớn nhất của người lao động” - bà Cù Thị Hậu nói.

Để thực hiện nhiệm vụ trên, theo bà Cù Thị Hậu, cần có chiến lược đối với đội ngũ công đoàn để đảm đương nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng cho người lao động trong bối cảnh tổ chức đại diện của người lao động tại doanh nghiệp ra đời.

Nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Cù Thị Hậu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở, bởi lẽ cấp cơ sở sẽ nắm bắt trực tiếp người lao động nghĩ gì, muốn gì, làm gì; nếu cán bộ công đoàn cơ sở không có năng lực, nhiệt tình, sâu sát thì tổ chức Công đoàn sẽ không thu hút được người lao động. Nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐVN bày tỏ mong muốn Điều lệ Công đoàn Việt Nam cần nêu rõ nội dung đào tạo đội ngũ cán bộ công đoàn xuất thân từ công nhân để đảm nhận các nhiệm vụ tại cơ sở.

Đồng tình với ý kiến này, ông Đỗ Đức Ngọ - nguyên Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - đề nghị bổ sung nguồn tuyển dụng cho đội ngũ cán bộ công đoàn chủ yếu trưởng thành từ cơ sở và một số chuyên gia giỏi trên một số lãnh vực (Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN sẽ hướng dẫn chi tiết điều này).

“Cán bộ công đoàn mà không trưởng thành từ phong trào, từ cơ sở thì không thể hiểu được tâm tư, nguyện vọng và cuộc sống của người lao động. Tuy nhiên, đối với một số lĩnh vực như kinh tế, tài chính, luật pháp thì phải tuyển chọn các chuyên gia giỏi để tham mưu cho tổ chức Công đoàn tham gia với Nhà nước” - nguyên Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đỗ Đức Ngọ góp ý.

 

https://laodong.vn/cong-doan/sua-doi-dieu-le-cong-doan-viet-nam-de-dap-ung-yeu-cau-cua-tinh-hinh-moi-1200807.ldo

QUẾ CHI (BÁO LAO ĐỘNG)

(Nguồn: http://www.congdoan.vn/tin-tuc/hoat-dong-cong-doan-3569/sua-doi-dieu-le-cong-doan-viet-nam-de-dap-ung-yeu-cau-cua-tinh-hinh-moi-825986.tld)

Date : 06-06-2023
Tags:

Bài viết liên quan