Chiều ngày 01/8/2019, tại Trường Đại học Tây Nguyên, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lăk, Công đoàn Giáo dục (CĐGD) Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Công đoàn các đại học, trường đại học, trường cao đẳng sư phạm và đơn vị trực thuộc. Tới dự Hội nghị có: đồng chí Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; đồng chí Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đai học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), đồng chí Y Tru Alio, Phó bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Công đoàn Trường Đại học Tây Nguyên. Về phía CĐGD Việt Nam tới dự và chỉ đạo Hội nghị có TS. Vũ Minh Đức, Ủy viên Ban Cán sự Đảng Bộ GD&ĐT, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch CĐGD Việt Nam, đ/c Nguyễn Thị Bích Hợp, đ/c Nguyễn Ngọc Ân, Phó Chủ tịch CĐGD Việt Nam, các đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành, Ủy ban kiểm tra CĐGD Việt Nam, các đồng chí là lãnh đạo các Ban thuộc CĐGD Việt Nam và đặc biệt Hội nghị còn có sự hiện diện của gần 200 đại biểu là Chủ tịch/ Phó chủ tịch, cán bộ công đoàn chủ chốt của các đại học, các trường đại học, các trường cao đẳng sư phạm, các đơn vị trực thuộc CĐGD Việt Nam.
Đ/c Vũ Minh Đức - Chủ tịch CĐGD Việt Nam phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Hội nghị tổ chức nhằm cung cấp cho cán bộ công đoàn những thông tin cơ bản về Luật Giáo dục đại học sửa đổi; chủ trương đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học; kết quả và một số vấn đề đặt ra sau quá trình thí điểm tự chủ tại các trường đại học công lập trực thuộc Bộ GD&ĐT; Phát hiện những vấn đề đặt ra, cơ hội và thách thức đối với cán bộ, nhà giáo, người lao động (CBNGNLĐ) và tổ chức công đoàn trong các trường đại học khi tiến hành tự chủ đại học; Xác định nhiệm vụ của tổ chức công đoàn trong các nhà trường cần làm gì và làm như thế nào trong cơ chế tự chủ và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong thời gian tới.
Hội nghị đã được nghe PGS.TS Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT - thành viên tổ xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học trao đổi, làm rõ những nội dung quan trọng của Luật này khi các trường bắt đầu thực hiện từ tháng 7 năm 2019. Đặc biệt, đồng chí Nguyễn Thị Kim Phụng nhấn mạnh một số điểm mới, cần lưu ý và có liên quan đến chức năng nhiệm vụ của tổ chức công đoàn trong các nhà trường khi Luật có hiệu lực và chi phối các hoạt động của nhà trường. Đó là cơ cấu và cơ chế, ý nghĩa, vai trò của Hội đồng trường, các yêu cầu về tính chiến lược và tính minh bạch trong quá tình vận hành trường.
PGS.TS Nguyễn Thị Kim Phụng trao đổi tại Hội nghị
Cũng tại Hội nghị này, các đại biểu cũng được nghe đ/c Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao đổi về “Đổi mới hoạt động công đoàn trong bối cảnh hiện nay”. Trong đó, đồng chí Phó Chủ tịch nhấn mạnh 2 việc quan trọng: Phải đổi mới tư duy và đổi mới cách làm công đoàn, coi công đoàn là một “nghề” để nhìn nhận nghiêm túc tính khoa học, tính hiệu quả cũng như tác động của nó tới đoàn viên cũng như tới cơ quan, đơn vị trường học. Đồng chí Ngọ Duy Hiểu cũng đưa ra những dẫn chứng hết sức thuyết phục về cơ hội và thách thức cũng như các nguy cơ hiện hữu của tổ chức công đoàn nói chung và công đoàn các trường đại học nói riêng trong bối cảnh tác động của TPTPP cũng như các bộ luật, quy định mới liên quan đến quyền của nhà trường, quyền của người lao động trong bối cảnh hiện nay.
Đồng chí Ngọ Duy Hiểu trao đổi tại Hội nghị
Các đại biểu đã sôi nổi trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm thống nhất:
1. Công đoàn phối hợp cùng Chính quyền xây dựng cơ chế dân chủ, cơ chế kiểm soát các hoạt động độc lập, tự chủ, thực hiện trách nhiệm của các đối tượng.
2. Công đoàn phối hợp cùng Chính quyền xây dựng những tiêu chuẩn, tiêu chí chặt chẽ để đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ, thực hiện sự tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đối tượng trên các lĩnh vực như tài chính, cơ sở vật chất, thực hiện nguyên tắc và chế độ trong quản lý, trong công việc, trong đào tạo.
3. Công đoàn tham mưu cho Chính quyền trong thực hiện phân cấp cho các đơn vị trong trường; mở rộng nguồn thu và khoán chi; hoàn thiện quy chế chi tiêu nội bộ; quy định trách nhiệm giải trình về tài chính giữa các cấp trong trường; tổ chức hoạt động kiểm soát nội bộ và công khai tài chính; đào tạo nâng cao năng lực quản lý tài chính cho các đơn vị trong trường.
4. Xây dựng quy chế phối hợp giữa Công đoàn vối các bên liên quan một cách phù hợp, đảm bảo sự tồn tại và thúc đẩy sự phát triển của nhà trường một cách bền vững, trên cơ sở đó quyền lợi của đoàn viên mới được đảm bảo.
5. Quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ công đoàn trong toàn trường để có thể thích ứng với bối cảnh tự chủ. Chú ý tới việc đào tạo đội ngũ cán bộ kế cận.
Với những nội dung được trao đổi, chia sẻ trong Hội nghị, hy vọng rằng Công đoàn các đơn vị sẽ phát huy sức mạnh, luôn đồng hành, cùng ghé vai và cùng hợp sức với các nhà trường để tháo gỡ những khó khăn, thách thức trong thời gian tới.
Tin: Ban Chính sách - Pháp luật, CĐGD Việt Nam
(Nguồn: http://congdoangdvn.org.vn/index.aspx?def=556&ID=4387&CateID=534)