Bác bỏ luận điệu phủ nhận vai trò của Công đoàn Việt Nam chăm lo cho người lao động khó khăn trong đại dịch COVID – 19

Trong hoàn cảnh rất nhiều công nhân bị ảnh hưởng, gặp khó khăn vì dịch bệnh, phải thực hiện giãn cách, thậm chí mất việc làm, không còn nguồn thu nhập thì việc xuất hiện trên mạng xã hội những thông tin sai lệch có nội dung chỉ trích, kích động là hành động xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, gây rối loạn xã hội.

 

Xuyên tạc Lời kêu gọi ủng hộ công nhân bị ảnh hưởng bởi COVID - 19

Bài viết “Hỗ trợ công nhân gặp khó khăn - Báo Nhân Dân (nhandan.vn)” ngày 1/9 đưa tin, ngày 25/8, đồng chí Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thay mặt Đoàn Chủ tịch đã ra Lời kêu gọi công chức, viên chức, người lao động cả nước, các doanh nghiệp, mọi tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, bằng tình cảm và trách nhiệm chung tay cùng chính quyền, tham gia đóng góp, ủng hộ, kịp thời chia sẻ giúp đỡ các công nhân gặp khó khăn do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thời gian từ 25/8/2021 đến 15/10/2021.

Ngay lập tức, trên mạng xã hội, xuất hiện những thông tin bài viết chỉ trích, kích động, cùng với đó là những thông tin, hình ảnh có nội dung bôi nhọ, bịa đặt về đời sống công nhân.

Với lý lẽ cho rằng chính quyền “đổ khó, đổ khổ” cho dân, vu cáo Nhà nước đang bỏ mặc dân, xuyên tạc việc Tổng Liên đoàn ra Lời kêu gọi cho thấy người lao động tiếp tục bị bóc lột, khiến đời sống của họ càng thêm khó khăn... một số kẻ cực đoan, phản động, thiếu thiện chí đã ra sức chống đối, kêu gọi bất hợp tác, thậm chí đặt câu hỏi nghi vấn sự minh bạch của hoạt động ý nghĩa này.

Trong hoàn cảnh rất nhiều công nhân bị ảnh hưởng, gặp khó khăn vì dịch bệnh, phải thực hiện giãn cách, thậm chí mất việc làm, không còn nguồn thu nhập, đó là hành động ác ý, vô lương tâm nhằm bôi nhọ, xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, gây rối loạn xã hội.

Theo thống kê sơ bộ, cả nước hiện có hơn 36.000 công nhân bị nhiễm vi-rút SARS-CoV-2, trong đó có nhiều người đã tử vong, cùng hơn 600.000 công nhân là trường hợp F1, F2 hoặc đang trong khu vực phong tỏa. Cùng với đó, hàng triệu công nhân phải nghỉ việc, mất việc hoặc tạm hoãn hợp đồng lao động, cuộc sống lâm vào tình cảnh hết sức khó khăn.

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ người gặp khó khăn bởi dịch bệnh bao gồm cả công nhân lao động, trong đó có 2 gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng và 26.000 tỷ đồng. Nhờ đó người dân lao động cũng như người khó khăn, yếu thế trong xã hội đã được trợ giúp kịp thời để có thể tiếp tục cầm cự trong đại dịch. 

Tuy nhiên, nhiều lao động là dân di cư, không có tích lũy, đã thực sự kiệt quệ bởi dịch kéo dài dẫn đến phải giãn việc, nghỉ việc. Chính vì vậy, sự vào cuộc của Tổng Liên đoàn bằng việc kêu gọi ý thức trách nhiệm, tinh thần tương thân tương ái, huy động công chức, viên chức, người lao động cũng như các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia giúp đỡ khẩn cấp những công nhân lao động gặp khó khăn là rất cần thiết. Sự giúp đỡ trên tinh thần tự nguyện có thể thực hiện dưới nhiều hình thức: tiền, nhu yếu phẩm,… Trong cuộc chạy tiếp sức này, sự vào cuộc kịp thời của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước sẽ giúp những lao động gặp khó khăn có thêm điểm tựa. 

Dịch bệnh không chỉ khiến nền kinh tế bị ảnh hưởng, các sinh hoạt xã hội bị xáo lộn mà đời sống của nhiều người dân cũng bị suy giảm. Nhưng với tinh thần tương thân tương ái, người Việt luôn sẵn sàng nhường cơm sẻ áo ngay cả khi mình không dư dả, luôn có những bàn tay chìa ra khi ai đó gặp khó khăn. Đó chính là tình nghĩa đồng bào. Chính sức mạnh đoàn kết, tương thân tương ái của cả cộng đồng cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị sẽ tạo nên sức mạnh tổng lực để giúp chúng ta sớm vượt qua dịch bệnh, từng bước trở lại cuộc sống bình thường.

 

Phủ nhận công tác chăm lo đời sống tinh thần cho người lao động

Trong bài “Chuyên gia lý giải tại sao bệnh lý tâm thần trở nên trầm trọng hơn trong dịch COVID – 10” đăng trên Báo Sức khỏe đời sống, GS. TS. BS. Cao Tiến Đức - Nguyên Chủ nhiệm Khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 103: COVID-19 là một sang chấn nghiêm trọng tác động đến tâm lý con người khiến người ta dễ mắc các rối loạn về tâm thần như trầm cảm, lo âu, rối loạn tress sau sang chấn.

Trong nghiên cứu của GS. Đức và cộng sự tại khu cách ly, các đối tượng cách ly, những người phục vụ, người dân trong cộng đồng bị phong tỏa… cho thấy phản ứng tâm lý của họ rất mạnh. Người già, phụ nữ, trẻ em, người có trình độ học vấn thấp là những đối tượng dễ bị tác động tâm lý, do đó dễ mắc các rối loạn về tâm thần. Giãn cách xã hội  khiến hầu hết các ngành nghề sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ. Các cửa hàng buôn bán nhỏ đóng cửa, doanh nghiệp ngừng sản xuất do công nhân nhà máy nhiễm bệnh. Người buôn bán nhỏ mất việc do giãn cách xã hội. Người nông dân sản xuất ra hàng hóa không thu hoạch được tổn thất về mặt kinh tế. Vận tải, du lịch, nhà hàng, khách sạn đóng cửa… Tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, nỗi lo về cơm áo gạo tiền đè nặng khiến tâm lý của những người trưởng thành bị ảnh hưởng nặng nề.

Việc cách ly không được giao tiếp với nhiều người xung quanh, khiến mọi người khó chịu, bức xúc vì không được thư giãn, sự căng thẳng, u uất kéo dài cũng là nguyên nhân khiến stress, lo âu, trầm cảm, mất ngủ gia tăng.

Không khí nặng nề bởi dịch bệnh bao trùm, đè nặng lên tâm tưởng của một bộ phận không nhỏ người dân, công chức, viên chức, công nhân lao động, nhất là lực lượng tuyến đầu như y, bác sĩ, lực lượng vũ trang và cán bộ công đoàn đang ngày đêm chiến đấu tại các tâm dịch. Vượt lên tất cả những khó khăn, thiếu thốn, những hiểm nguy, gian khổ, lực lượng tuyến đầu đang làm việc ngày quên ăn, đêm mất ngủ để giành giật sự sống của người dân.

Cũng theo GS. Cao Tiến Đức, đại dịch COVID-19 là một sang chấn, sang chấn đó vừa gây tổn thương cơ thể vừa gây tổn thương về tinh thần nghiêm trọng dẫn đến nhiều nguy cơ mắc các bệnh lý tâm thần rất lớn. Do đó, Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo phải chú ý hơn về mặt sức khỏe tâm thần người dân.

Việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức cuộc thi sáng tác âm nhạc “Giai điệu nơi tuyến đầu” và phát động cuộc thi video clip “Thời khắc khó quên” là để khích lệ, động viên tinh thần, đồng cảm và sẻ chia của toàn xã hội đối với lực lượng tuyến đầu; lan tỏa những thông điệp tích cực, niềm tin, tinh thần đoàn kết và quyết tâm chiến thắng dịch bệnh của nhân dân cả nước.

Thế nhưng trên một số tài khoản mạng xã hội lại phát tán, tung tin sai sự thật kéo theo nhiều bình luận tiêu cực, xuyên tạc về một chủ trương, hoạt động rất nhân văn, rất trách nhiệm của tổ chức Công đoàn Việt Nam đồng hành với Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong công tác phòng chống dịch bênh COVID – 19 và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên công đoàn, CNVCLĐ ở mọi ngành nghề, lĩnh vực.

 Thực tế cho thấy, âm nhạc, hình ảnh có lợi thế lan tỏa nhanh, tác động mạnh đến cộng đồng, dễ chạm đến nỗi lòng, tâm tư, tình cảm của con người, giúp những thông điệp, lời hiệu triệu trong công tác phòng chống dịch được truyền đi nhanh hơn, mạnh hơn, hiệu quả hơn. Điều này đã được minh chứng trong lịch sử các cuộc chiến tranh chống ngoại xâm của dân tộc ta, đã có những bài hát với ca từ, giai điệu “có sức mạnh như một sư đoàn”, nâng bước các đoàn quân chiến thắng, giúp chúng ta động viên được sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nỗ lực vượt mọi khó khăn, gian khổ giành thắng lợi cuối cùng. Đây chính là liều “vacxin tinh thần” kịp thời cổ vũ, động viên cả nước chung tay, đồng lòng cùng lực lượng nơi tuyến đầu quyết tâm chiến đấu và chiến thắng đại dịch.

 

MAI KHÔI

(Nguồn: http://www.congdoan.vn/tin-tuc/tuyen-truyen-giao-duc-thi-dua-khen-thuong-511/bac-bo-luan-dieu-phu-nhan-vai-tro-cua-cong-doan-viet-nam-cham-lo-cho-nguoi-lao-dong-kho-khan-trong-dai-dich-covid-%E2%80%93-19-594437.tld)

Date : 19-09-2021
Tags:

Bài viết liên quan