Toàn cảnh hội thảo.
Dự và chủ trì Hội thảo có đồng chí Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; đồng chí Trần Thanh Hải – Phó Chủ tịch Thường trực; các đồng chí Phó Chủ tịch: Trần Văn Thuật, Ngọ Duy Hiểu, Phan Văn Anh.
Cùng dự có các đồng chí nguyên Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và 60 đại biểu đại diện cho một số Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và công đoàn cơ sở doanh nghiệp.
Phát biểu khai mạc, đồng chí Nguyễn Đình Khang cho biết hội thảo này nhằm tiếp tục làm rõ những căn cứ lý luận và thực tiễn để hoàn thiện “Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”.
Đồng chí Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh, môi trường quan hệ lao động tại cấp doanh nghiệp trong thời gian tới sẽ có những thay đổi, tác động trực tiếp đến tổ chức và hoạt động công đoàn các cấp, đặc biệt là ở cấp cơ sở và cấp trên trực tiếp cơ sở.
Chính vì vậy, đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn đáp ứng yêu cầu phong trào công nhân và hoạt động công đoàn trong tình hình mới trở thành nhiệm vụ cấp bách của tổ chức công đoàn.
Nhận thức được vấn đề đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chủ động thực hiện các mô hình thí điểm thích ứng với điều kiện hoạt động mới như thí điểm thành lập công đoàn cơ sở theo phương pháp mới, đổi mới và nâng cao năng lực thương lượng tập thể của các chủ thể trong quan hệ lao động, đa dạng hóa hình thức thương lượng tập thể cấp doanh nghiệp, cấp nhóm doanh nghiệp, cấp ngành… làm căn cứ thực tiễn để tham gia sửa đổi Bộ luật lao động, Luật Công đoàn và sửa đổi bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam từ Khóa X đến nay.
Trong 2 nhiệm kỳ gần đây, nhiều cách làm mới, sáng tạo đã được thực hiện ở cơ sở như đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của công đoàn theo hướng củng cố và cải thiện sự gắn kết giữa ban chấp hành công đoàn với đoàn viên công đoàn kết hợp với lực lượng đoàn viên nòng cốt; đổi mới phương thức chỉ đạo của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở với công đoàn cơ sở trực tiếp hơn, thường xuyên hơn, cán bộ công đoàn cấp trên cùng với cơ sở cùng giải quyết trực tiếp vấn đề phát sinh tại cơ sở…
Tuy nhiên, do những vấn đề phát sinh trong tình hình mới chưa có tiền lệ ở Việt Nam, đồng thời trong điều kiện đang hoàn thiện cơ chế lãnh đạo đối với tổ chức công đoàn, hoàn thiện hệ thống pháp luật về lao động và công đoàn, nhiều vấn đề về cơ sở lý luận, cơ sở chính trị và pháp lý chưa giải quyết được những vấn đề đã, đang và sẽ phát sinh trong thực tiễn phong trào công nhân và hoạt động công đoàn rất cần được nghiên cứu làm rõ, như: Về chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn; mô hình tổ chức, bộ máy của công đoàn; xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn.
Đồng chí Nguyễn Đình Khang bày tỏ mong muốn các đại biểu hội thảo tập trung thảo luận, phân tích làm rõ những bất cập, hạn chế về thực hiện chức năng, nhiệm vụ, về mô hình tổ chức, bộ máy và đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp hiện nay. Trên cơ sở đó, đề xuất ý kiến, ý tưởng, giải pháp đổi mới mô hình tổ chức, bộ máy và cán bộ công đoàn các cấp phù hợp với điều kiện hoạt động trong tình hình mới. Trong đó, tập trung đề xuất về mô hình tổ chức, bộ máy, cán bộ của công đoàn ngành trung ương và địa phương.