Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII, nhiệm kỳ 2018 - 2023 khai mạc

Hôm nay (24.9), tại Hà Nội, Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII, nhiệm kỳ 2018 - 2023 khai mạc. Đánh giá lại hoạt động của nhiệm kỳ 2013 - 2018, có thể thấy, tổ chức Công đoàn Việt Nam (CĐVN) đã khẳng định vai trò, vị thế của mình trong việc đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của đoàn viên CĐ, người lao động (NLĐ). 

Mỗi NLĐ cũng bắt đầu nhận thấy những lợi ích, quyền lợi thiết thực khi gia nhập tổ chức CĐ. Về vấn đề này, đồng chí Bùi Văn Cường - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, Phó Chủ tịch Liên hiệp CĐ Thế giới - cho biết:

- Đại hội CĐVN lần thứ XII là sự kiện chính trị quan trọng của giai cấp công nhân và NLĐ, mở đầu cho giai đoạn phát triển mới của tổ chức CĐ. Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28.1.2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, 5 năm thực hiện Luật CĐ (2012), CĐVN đã có nhiều thay đổi tích cực.

Một trong những điểm nổi bật trong nhiệm kỳ 2013 - 2018 là giai cấp công nhân và tổ chức CĐ đã nhận được sự quan tâm sát sao của Đảng, Nhà nước. Cụ thể, các đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã dành thời gian làm việc, chỉ đạo tổ chức CĐ và thăm, tặng quà, động viên CNLĐ dịp Tết Nguyên đán, Tháng Công nhân. Ban Bí thư cũng đã ban hành Chỉ thị số 52-CT/TW ngày 9.1.2016 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho CNLĐ tại KCN-KCX. Đây thực sự là nguồn động viên to lớn với tổ chức CĐ và CNLĐ cả nước. Bên cạnh đó, Tổng LĐLĐVN đã chủ động xây dựng Đề án Đổi mới tổ chức và hoạt động CĐVN trong tình hình mới trình Ban Bí thư xem xét.

Điểm nổi bật nữa là các cấp CĐ tập trung đổi mới phương thức hoạt động, nhất là nâng cao hiệu quả hoạt động theo hướng thiết thực và khẳng định vị thế là tổ chức của CNLĐ, vì CNLĐ. Điều này thể hiện rõ ở việc làm tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ. CĐ đã tham gia xây dựng, hoàn thiện 521 văn bản, chính sách, pháp luật liên quan mật thiết đến NLĐ; Tham gia có hiệu quả trong Hội đồng tiền lương Quốc gia, góp phần đề xuất Chính phủ điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng tăng trên 55% (so với đầu nhiệm kỳ), góp phần cải thiện đời sống đoàn viên, NLĐ; CĐCS đã đại diện NLĐ ký kết được 27.866 bản thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT), tăng 5% so với đầu nhiệm kỳ, hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, các cấp CĐ đã tổ chức đối thoại giữa cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, doanh nghiệp với CNLĐ. So với đầu nhiệm kỳ, tổng số cuộc đối thoại định kỳ do các cấp CĐ tổ chức đã tăng hơn 3 lần, với 30.641 cuộc và tăng gấp 7 lần ở các cuộc đối thoại đột xuất với 3.101 cuộc. Từ những đổi mới trong chỉ đạo, điều hành và hoạt động CĐ, NLĐ đã thêm tin tưởng và gia nhập tổ chức CĐ, kết quả là chỉ tiêu của nhiệm kỳ Đại hội XI CĐVN “đến năm 2018 cả nước có 10 triệu đoàn viên” đã hoàn thành trước thời hạn.

Cùng với đó, đổi mới phương thức quản lý đoàn viên và sử dụng công nghệ hiện đại trong quản lý đoàn viên; Xây dựng bộ nhận diện với màu sắc riêng của tổ chức CĐ; Chọn được bài hát truyền thống của CĐVN để hiệu triệu CNLĐ; Công tác kiểm tra giám sát và thi hành kỷ luật cũng được quan tâm để có thể ngăn chặn sai phạm từ khi mới manh nha, tạo sự trong sạch, vững mạnh của tổ chức.

 

- Với sự đổi mới tư duy trong hoạt động của CĐ, mỗi đoàn viên CĐ cảm nhận được rõ nhất các lợi ích của bản thân họ đã được chăm lo một cách thiết thực. Chỉ đơn cử, khi phóng viên xuống làm việc với CNLĐ ở doanh nghiệp, khá nhiều nơi bữa ăn ca đã ở mức 18.000 - 20.000 đồng không bao gồm chi phí tiền công, điện, gas, nước. CNLĐ ở một số khu vực đang đợi đến ngày được ở trong căn nhà thuộc khu thiết chế CĐ. Điều này đã, đang và sẽ được thực hiện như thế nào, thưa đồng chí?

- CĐ các cấp đã bước đầu đổi mới tư duy theo hướng hoạt động phải thiết thực để thu hút, tập hợp NLĐ, từng bước tạo sự khác biệt giữa đoàn viên CĐ và NLĐ chưa là đoàn viên CĐ. Khi NLĐ thấy được quyền và lợi ích khi trở thành đoàn viên CĐ thì họ sẽ gia nhập tổ chức CĐVN mà không phải bất kỳ tổ chức của NLĐ nào khác. Bên cạnh đó, với vai trò và nhiệm vụ của mình, CĐ phải chăm lo cho chính đoàn viên của mình, nhất là những đối tượng yếu thế như CNLĐ tại các KCN-KCX, sau đó mới chăm lo cho các đối tượng khác.

Chính vì vậy, chăm lo lợi ích được xác định là nhiệm vụ quan trọng xuyên suốt của các cấp CĐ, nhất là ở cấp cơ sở như: Chia sẻ khó khăn, thăm hỏi, hiếu hỷ, tổ chức tham quan, du lịch, chăm sóc sức khỏe định kỳ góp phần cải thiện đời sống cho đoàn viên và NLĐ. Nghị quyết của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN về “Chất lượng bữa ăn ca của NLĐ” đã đạt kết quả bước đầu, thể hiện nỗ lực của các cấp CĐ trong việc góp phần cải thiện bữa ăn giữa ca, thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm, chăm lo sức khỏe cho đoàn viên, NLĐ, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả công việc. Thực hiện Nghị quyết, có 2.281 CĐCS cuộc đối thoại, thương lượng thành công nâng giá trị bữa ăn ca của 587.239 NLĐ từ 15.000 đồng trở lên. Ngoài ra, chương trình “Tết Sum vầy” được triển khai từ năm 2015 và không ngừng phát triển. Từ nguồn kinh phí CĐ và vận động doanh nghiệp ủng hộ, các cấp CĐ đã tổ chức chăm lo, tặng quà Tết, hỗ trợ vé tàu xe đưa đón cho hơn 8 triệu lượt đoàn viên, NLĐ với tổng số tiền hơn 8.500 tỉ đồng. Với chương trình “Mái ấm CĐ”, trong 5 năm qua đã có trên 20.000 gia đình đoàn viên nghèo được xây dựng nhà mới hoặc sửa chữa nhà ở với tổng số tiền hơn 500 tỉ đồng. Đã tổ chức đàm phán và ký kết các thỏa thuận hợp tác với 1.157 đối tác là các tập đoàn, TCty và các doanh nghiệp để cung cấp các sản phẩm, dịch vụ cho đoàn viên và NLĐ với giá ưu đãi, góp phần tăng thêm lợi ích của trên 1,7 triệu lượt đoàn viên với số tiền 526 tỉ đồng.

Đặc biệt để giải quyết những bức xúc của CNLĐ tại các KCN, ngày 12.5.2017, từ đề xuất của Tổng LĐLĐVN, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 655/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Đầu tư xây các thiết chế CĐ, tạo sự đột phá trong hình thành hạ tầng cơ sở đồng bộ phục vụ nhu cầu đa dạng cho đoàn viên CĐ tại các KCN. Thực hiện đề án, Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN ban hành Nghị quyết 9C về tiết kiệm 10% chi hành chính, chi hoạt động phong trào tại các cấp CĐ để tạo nguồn kinh phí cho đầu tư xây dựng các thiết chế của CĐ; đồng thời Tổng LĐLĐVN cũng đã phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương để kịp thời tháo gỡ, giải quyết những vướng mắc trong đầu tư xây dựng nhà ở, nhà trẻ, siêu thị, sân chơi, bãi tập, chăm sóc y tế cho công nhân.

Đến nay, sau 1 năm triển khai, Tổng LĐLĐVN đã từng bước thực hiện các mục tiêu mà Thủ tướng giao, đó là: Đã xác định được địa điểm đầu tư tại hơn 20 tỉnh, thành phố, được UBND các địa phương giới thiệu đất và đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, trong đó đã triển khai nghiên cứu thị trường và đánh giá các điều kiện đầu tư dự án tại 12 địa phương. Đây là bước đi làm cơ sở chắc chắn đảm bảo hoạt động đầu tư đúng mục tiêu và hiệu quả của đề án. Tổ chức CĐ đang phấn đấu từ chủ trương tiết giảm chi tiêu hành chính, chi tiêu phong trào sẽ có khoảng gần 1.000 tỉ đồng mỗi năm để xây thiết chế CĐ phục vụ CNLĐ. Dự kiến năm 2019, sẽ bàn giao 1.000 căn hộ đầu tiên cho CNLĐ. Hiện nay, theo đề xuất của Ban Quản lý thiết chế Công đoàn và LĐLĐ tỉnh Hà Nam, UBND tỉnh Hà Nam đã ban hành tiêu chí quy định đối tượng được mua, thuê căn hộ thuộc thiết chế CĐ trên địa bàn tỉnh.

Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh đến đột phá về công tác quản lý tài chính CĐ theo hướng công khai, minh bạch, mà một trong số đó là thực hiện thu kinh phí CĐ qua một tài khoản trung gian nhằm chống trục lợi, công khai, minh bạch, hạn chế dùng tiền mặt theo quy định của Chính phủ. Đây sẽ là tiền đề để sau Đại hội sẽ làm tốt hơn nữa nội dung tài chính CĐ, tăng dần tỉ lệ dành cho cơ sở, nơi trực tiếp với CNLĐ (hiện để lại 68%, sau sẽ tăng lên 70%; cũng sẽ tăng cho cấp trên cơ sở; chỉ để lại 2% cho cấp Tổng LĐLĐVN). Đặc biệt, mọi việc làm sẽ theo phương châm CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở phục vụ CĐCS, CĐCS phục vụ đoàn viên CĐ.

 

- Tổ chức CĐVN đã có những thay đổi căn bản trong tư duy hành động từ nhiệm kỳ 2013 - 2018. Vậy, trong nhiệm kỳ 2018 - 2023 sẽ có những đột phá gì, thưa đồng chí?

- Mục tiêu tổng quát của nhiệm kỳ là: Nâng cao hiệu quả đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi của đoàn viên và NLĐ, vì việc làm bền vững, đời sống ngày càng cao. Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao giác ngộ giai cấp, bản lĩnh chính trị, tinh thần yêu nước, hiểu biết pháp luật, trách nhiệm cao, tay nghề giỏi, góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam lớn mạnh. Hoàn thiện mô hình tổ chức, đổi mới phương thức hoạt động, xây dựng đội ngũ cán bộ CĐ bản lĩnh, trí tuệ, chuyên nghiệp; tập hợp, thu hút đông đảo NLĐ vào tổ chức CĐVN; xây dựng CĐVN vững mạnh. Tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Để thực hiện mục tiêu này, CĐVN sẽ thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp và đặc biệt là ba khâu đột phá. Ba khâu đột phá này gồm: Thứ nhất, đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động; chăm lo lợi ích đoàn viên, đại diện, bảo vệ NLĐ. Thứ hai, xây dựng đội ngũ cán bộ CĐ, nhất là đội ngũ chủ tịch CĐCS khu vực ngoài nhà nước đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ. Thứ ba, xây dựng nguồn lực CĐ đủ mạnh, đẩy mạnh công tác truyền thông CĐ đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.

Sau Đại hội sẽ có đề án, lộ trình, Nghị quyết chuyên đề triển khai cụ thể cho việc thực hiện ba khâu đột phá trên tinh thần thực hiện bằng hành động cụ thể, thiết thực. Sở dĩ cần có ba khâu đột phá này vì khi chuyển trọng tâm để tập hợp NLĐ, để NLĐ thấy đến với CĐ là có quyền và lợi ích thì đội ngũ cán bộ CĐ, nhất là cán bộ CĐCS khu vực ngoài nhà nước phải giỏi, phải làm tốt nhiệm vụ. Để làm như vậy, Tổng LĐLĐVN sẽ ban hành nghị quyết về công tác cán bộ CĐ trong tình hình mới, ban hành quy định tiêu chuẩn chức danh cán bộ với từng cấp CĐ. Song song với đó, công tác đào tạo cũng thực hiện theo chức danh với nội dung ở vị trí đó thì phải làm gì và làm như thế nào - tức là đào tạo những gì mà người ở chức danh đấy cần học - chứ không đào tạo như hiện nay. Đối với nguồn lực thì phải tập trung nâng cao, trong đó chú trọng tài chính, tài sản, nhất là hiệu quả của cơ sở vật chất CĐ hiện có, lấy hiệu quả kinh tế làm thước đo hoạt động của đơn vị kinh tế CĐ; xây dựng bộ công cụ, tính tỉ suất lợi nhuận trên vốn tài sản của chủ sở hữu. Mở rộng xây dựng 50 thiết chế để tập trung vào chăm lo cho NLĐ. Ví dụ, khi thiết chế đi vào hoạt động và với hệ thống nhà nghỉ, khách sạn CĐ hiện nay cần hoạt động theo hướng trực tiếp phục vụ CĐ, phục vụ đoàn viên CĐ. Đoàn viên CĐ khi sử dụng dịch vụ phải được ưu đãi. Bên cạnh đó phải làm tốt công tác truyền thông CĐ để NLĐ khi có ý định tham gia tổ chức đại diện của NLĐ thì nghĩ ngay đến tổ chức CĐVN. Có như vậy mới làm tốt vai trò cầu nối giữa Đảng và NLĐ, CNLĐ, hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao cho tổ chức CĐ.

 

- Xin đồng chí cho biết một số đổi mới chính của Đại hội XII CĐVN?

- Đổi mới đầu tiên là đã chuẩn bị và tổ chức 12 sự kiện trước đại hội để giai cấp công nhân và NLĐ hướng về đại hội. Tiếp theo là việc xây dựng Văn kiện Đại hội có bố cục khác truyền thống, được chia thành 12 vấn đề, từng nội dung cụ thể có đánh giá, có phương hướng, đây là cơ sở để đánh giá kết quả, thực trạng một cách chính xác. Đây cũng là lần đầu tiên có 12 trung tâm thảo luận tại đại hội để tạo điều kiện cho các đại biểu thảo luận sâu sắc về 12 vấn đề, về Văn kiện và Điều lệ CĐVN. Đối với công tác nhân sự, việc thảo luận sẽ được đưa về 83 đoàn để nội bộ mỗi đoàn bàn bạc, đề xuất một cách công khai, thực sự dân chủ và cũng đổi mới công tác bầu cử theo hướng dân chủ, thiết thực, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng. Đặc biệt, đại hội tổ chức diễn đàn “CĐVN đồng hành cùng Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước”. Tại đây, các đại biểu sẽ đề xuất, hiến kế để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và dự kiến Thủ tướng sẽ đưa ra thông điệp đối với tổ chức CĐVN, NLĐ.

 

Xin cảm ơn đồng chí

Đại hội XII CĐVN diễn ra trong các ngày 24, 25, và 26.9 tại Hà Nội với tinh thần “Đổi mới - Dân chủ - Đoàn kết - Trách nhiệm”. Đại hội triệu tập 950 đại biểu, đại diện cho hơn 10 triệu đoàn viên, CNVCLĐ cả nước và 7 đoàn đại biểu quốc tế. Trong đó nữ có 300 người (chiếm 31%); dân tộc ít người có 42 người (chiếm 4,4%); hành chính sự nghiệp có 543 (chiếm 57,2%); sản xuất kinh doanh có 407 người (42,8%); đại biểu cao tuổi nhất là 65 tuổi, trẻ nhất là 25 tuổi, độ tuổi trung bình là 47.

Đại hội sẽ thảo luận, thông qua các báo cáo của BCH Tổng LĐLĐVN tại đại hội như: Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội CĐVN lần thứ XI, mục tiêu, nhiệm vụ tổng quát của nhiệm kỳ 2018 - 2023; Báo cáo sửa đổi, bổ sung Điều lệ CĐVN; Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của BCH, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN khóa XI; Báo cáo tổng hợp kiến nghị của cán bộ, công chức, viên chức, công nhân lao động và tổ chức CĐ với Đảng, Nhà nước.

Đại hội thảo luận, biểu quyết, thông qua: Nghị quyết Đại hội XII CĐVN với các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, các khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2018 - 2023; Điều lệ CĐVN sửa đổi, bổ sung; Bầu BCH Tổng LĐLĐVN khóa XII. B.C.Đ

THU TRÀ (THỰC HIỆN)

(Nguồn: https://laodong.vn/cong-doan/to-chuc-cong-doan-viet-nam-phai-la-diem-den-cua-nguoi-lao-dong-632490.ldo)

 

Date : 24-09-2018
Tags:

Bài viết liên quan