Một số chính sách, phúc lợi của các doanh nghiệp còn thấp
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, có khoảng 95% người lao động trên cả nước đã đi làm trở lại. Một số đơn vị, địa phương có tỉ lệ lao động đi làm trở lại sau Tết đạt tỉ lệ cao, như Cần Thơ (100%), Công đoàn Xây dựng Việt Nam (100%). Một số địa phương có tỉ lệ người lao động trở lại làm việc thấp hơn mức bình quân chung của cả nước, như Nghệ An (75,7%), Bình Thuận (70%).
Hiện nay, có tình trạng là ở nhiều địa phương, số công nhân lao động đang phải nghỉ việc vì thuộc diện F0, F1 (thực hiện điều trị, cách ly do dịch COVID-19) khá cao, như Hải Phòng trên 42.000 người, Bắc Giang 22.000 người… nên đã ít nhiều ảnh hưởng đến việc tổ chức sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn.
Sau Tết, một bộ phận người lao động trở về quê (chủ yếu là các tỉnh phía Bắc và miền Trung) chưa trở lại các tỉnh, thành phố khu vực trọng điểm phía nam để làm việc hoặc đã tìm được việc làm mới ở quê nhà, muốn gắn bó gần hơn với gia đình nên không trở lại làm việc.
Các doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng, tuyển dụng thêm lao động với yêu cầu lao động phải có tay nghề trong khi tiền lương và các chế độ khác chưa phù hợp. Ở nhiều địa phương, nguồn lao động chủ yếu là chưa qua đào tạo, tay nghề chưa cao nên chưa đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp.
Mặc dù cả nước đã chuyển sang trạng thái bình thường mới; tuy nhiên, tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến việc sản xuất, kinh doanh, thực hiện đơn hàng, chi phí, tình hình thế giới… nên một bộ phận doanh nghiệp chưa dám mạnh dạn trong việc mở rộng sản xuất, tăng lao động.
Các chế độ đãi ngộ của doanh nghiệp trong một số lĩnh vực sử dụng nhiều lao động như dệt may, giày da… còn thấp, mức lương khởi điểm chỉ ở mức tối thiểu theo quy định của Chính phủ, nhưng yêu cầu công việc, giờ giấc lại quá cao, không đảm bảo đời sống công nhân nhất là người lao động ở xa phải tốn thêm chi phí thuê nhà trọ và các khoản chi phí khác, không bù đắp được cho việc tái tạo sức lao động. Một số chính sách, phúc lợi của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp không cao hơn các doanh nghiệp bên ngoài khu công nghiệp nên không giữ chân được người lao động, không thu hút được người lao động vào làm việc.
Người lao động lo ngại lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 (nhất là người lao động đang nuôi con nhỏ, có người thân lớn tuổi). Một bộ phận người lao động do chưa tiêm đủ vaccine ngừa COVID-19 nên còn ngại quay trở lại làm việc.
Cần xem xét điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng
Một số ý kiến của các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương cho thấy, với mức thu nhập ở những tỉnh thành lớn như Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai khoảng 7 triệu đồng/tháng như hiện nay thì người lao động không đủ trang trải cho sinh hoạt hàng ngày, tiền gửi con, tiền gửi về cho gia đình.
Trong khi đó, nếu ở lại quê làm việc, tuy chỉ kiếm được 4-5 triệu đồng/tháng nhưng người lao động không phải lo nhiều khoản như khi thuê trọ ở thành phố. Đây là một trong những thực tế khiến người lao động quyết định ở lại quê làm việc, nhất là tại một số địa phương bắt đầu có khu công nghiệp… Đây cũng là cơ sở để nhiều ý kiến kiến nghị Chính phủ cần xem xét điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng; đồng thời khuyến khích doanh nghiệp tăng lương và các khoản phúc lợi, quan tâm, cải thiện thu nhập để thu hút và giữ chân người lao động làm việc lâu dài.
Đối với tổ chức Công đoàn, một số giải pháp được đưa ra như liên kết giữa các Liên đoàn Lao động tỉnh để hỗ trợ công tác tuyển dụng; tăng cường giám sát việc thực hiện dân chủ tại nơi làm việc, đảm bảo người lao động được thực hiện thực chất quyền dân chủ tại nơi làm việc; xúc tiến kịp thời các thiết chế Công đoàn tại các khu công nghiệp, như: Nhà ở, nhà trẻ, các công trình sinh hoạt cộng đồng cho công nhân lao động…
Cũng từ thực tế, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có những kiến nghị, đề xuất. Trong đó, với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương cần ban hành các chính sách nhằm thu hút người lao động đến làm việc tại các vùng kinh tế trọng điểm, như: Xây dựng nhà ở cho công nhân thuê giá rẻ, xây các chung cư, nhà ở xã hội để bán cho người lao động với thời hạn trả khoảng 20 năm để người lao động yên tâm làm việc…
Chính phủ cần có cơ chế chính sách hợp lý đảm bảo cuộc sống của người lao động như: Quan tâm điều chỉnh lương tối lương tối thiểu vùng, tiếp tục có chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19… để người lao động yên tâm lao động sản xuất, gắn bó với doanh nghiệp, góp phần đảm bảo nguồn lực lao động trong doanh nghiệp và trên địa bàn.
Đảm bảo nguồn vốn vay giải quyết việc làm từ nguồn ngân sách, ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội; trong trường hợp không đáp ứng đủ nguồn lực, cần có cơ chế linh hoạt tạo thuận lợi cho Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huy động các nguồn lực để tăng nguồn vốn vay.
Đối với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần xúc tiến kịp thời các thiết chế Công đoàn tại các khu công nghiệp, như: Nhà ở, nhà trẻ, các công trình sinh hoạt cộng đồng cho công nhân lao động. Tiếp tục có cơ chế hỗ trợ, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của đoàn viên, người lao động trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19. Tăng cường giám sát việc thực hiện dân chủ tại nơi làm việc, đảm bảo người lao động được thực hiện thực chất quyền dân chủ tại nơi làm việc. Có chính sách cụ thể để nâng cao chất lượng cán bộ Công đoàn cơ sở, tăng số lượng cán bộ Công đoàn chuyên trách tại các Công đoàn cơ sở có đông lao động, đoàn viên.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu: Việc tìm giải pháp tham gia khôi phục thị trường lao động của Công đoàn thể hiện sự chia sẻ cùa Công đoàn đối với doanh nghiệp, đặc biệt là thể hiện sự đồng hành của Công đoàn đối với Chính phủ để khôi phục kinh tế, đạt chỉ tiêu tăng trưởng Quốc hội đặt ra. Đây cũng là 1 trong những giải pháp để Công đoàn làm tốt hơn sứ mệnh chăm lo người lao động nhằm thu hút người lao động về với tổ chức Công đoàn Việt Nam, đồng thời thực hiện chủ đề công tác năm của Công đoàn về chăm lo việc làm, đời sống cho người lao động.