Ngày 25.6, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục ngày làm thứ hai của kỳ họp thứ 35 (khoá XII) dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Đình Khang – Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Một trong những nội dung nhận được nhiều ý kiến đóng góp, thảo luận là Dự thảo 4, Điều lệ Công đoàn Việt Nam (bổ sung, sửa đổi).
Hội nghị thảo luận về các nội dung: Báo cáo sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam; Tổng kết Chương trình “Xây dựng đội ngũ chủ tịch Công đoàn cơ sở ngoài khu vực nhà nước đủ năng lực, phẩm chất, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ”;
Báo cáo kết quả phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở nhiệm kỳ 2018 – 2023;
Tổng kết Chương trình “Công đoàn Việt Nam đồng hành với Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước giai đoạn 2019 - 2023”;
Tổng kết Chương trình “Nâng cao hiệu quả việc thực hiện các nhiệm vụ đại diện cho người lao động, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động giai đoạn 2018 – 2023;
Tổng kết Chương trình “Nâng cao phúc lợi, lợi ích cho đoàn viên, người lao động giai đoạn 2019 - 2023”;
Đề án xây dựng đội ngũ tư vấn viên pháp luật và luật sư công đoàn;
Đề án “Công đoàn tham gia xây dựng và phát triển quan hệ lao động ổn định, hài hòa và tiến bộ, giai đoạn 2023 – 2028;
Tờ trình báo cáo kết quả triển khai QĐ 6696/QĐ-TLĐ ngày 16/01/2023 Quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng.
Trong nội dung Tờ trình về việc tiếp thu ý kiến vào Dự thảo 4, Điều lệ Công đoàn Việt Nam (bổ sung, sửa đổi) do Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Huỳnh Thanh Xuân trình bày nêu rõ Dự thảo 4 gồm 11 Chương và 45 Điều, giữ nguyên như Dự thảo 3.
Cho ý kiến về một số nội dung trong Tờ trình, ông Lê Văn Nghĩa – Trưởng Ban Quản lý dự án thiết chế Công đoàn đề nghị trong nguồn thu của Tổng Liên đoàn có nguồn thu từ hoạt động kinh tế, tuy nhiên, nguồn chi cũng cần bổ sung thêm phần chi từ nguồn thu cho công việc đầu tư tài sản của Tổng Liên đoàn. Khi hình thành tài sản của Tổng Liên đoàn cần có phân cấp trong công tác quản lý tài sản sau đầu tư để mang lại hiệu quả.
Ông Nguyễn Duy Minh – Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng – góp ý cần có quy định về sinh hoạt Công đoàn của đoàn viên Công đoàn là cán bộ, công chức khi đi học, đi công tác dài hạn ở nước ngoài.
Cũng đóng góp ý kiến vào nội dung này, Đại tá Nguyễn Đình Đức – Trưởng ban Công đoàn Quốc phòng đề nghị cần sớm ban hành thống nhất việc phát và quản lý thẻ đoàn viên Công đoàn, vì trong thời gian qua còn nhiều vướng mắc do sau Đại hội XII đã thống nhất không sử dụng thẻ giấy mà dùng bằng thẻ từ và có phần mềm quản lý đoàn viên, tuy nhiên, khi thực hiện phần mềm còn nhiều trục trặc.
Đối với Công đoàn Quân đội không được sử dụng phần mềm quản lý đoàn viên và sử dụng thẻ cứng do một số yếu tố liên quan bí mật quân sự.
Chính vì vậy, việc thực hiện Chương trình phúc lợi đoàn viên Công đoàn đối với một số đối tác gặp khó khăn vì không có thẻ để xuất trình khi tham gia các giao dịch mà phải tra cứu danh sách có xác nhận của Công đoàn Quốc phòng nên mất rất nhiều thời gian và phiền hà, do đó, chưa tạo được sự quan tâm của nhiều đoàn viên Công đoàn, người lao động.
Về nội dung này, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh, Điều lệ phải có tính kế thừa và những nội dung trong Điều lệ phải nêu rõ nhiệm vụ của từng cấp. Đối với những nội dung các khoá trước chưa thực hiện được thì cần thảo luận kỹ.
https://laodong.vn/cong-doan/dieu-le-cong-doan-viet-nam-phai-co-tinh-ke-thua-1208749.ldo
KIỀU VŨ (BÁO LAO ĐỘNG)
(Nguồn: http://www.congdoan.vn/tin-tuc/hoat-dong-cong-doan-3569/dieu-le-cong-doan-viet-nam-phai-co-tinh-ke-thua-828340.tld)