Theo đại biểu Quốc hội, hiện nay mức phụ cấp cho cán bộ Công đoàn cấp cơ sở là rất thấp, gây khó khăn cho hoạt động và khó thu hút nhân lực tham gia.
Sáng 24.10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi).
Phát biểu ý kiến, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) cho biết, hiện nay mức phụ cấp cho cán bộ Công đoàn cấp cơ sở là rất thấp, gây khó khăn cho hoạt động và khó thu hút nhân lực tham gia tổ chức Công đoàn cấp cơ sở.
Theo đại biểu, tuy dự thảo luật không quy định cụ thể tiêu chuẩn, định mức, chế độ chi tiêu tài chính Công đoàn nhưng đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quan tâm, nâng mức phụ cấp cho cán bộ Công đoàn cơ sở để phù hợp với trách nhiệm và tình hình hiện tại.
Về bảo đảm hoạt động của Công đoàn, đại biểu Trần Kim Yến (Đoàn TP Hồ Chí Minh) cho biết, các điều khoản trong dự thảo luật đã quy định về tổ chức, bộ máy, cán bộ, điều kiện cơ sở vật chất và tài chính. Đây là những điều kiện cần thiết để đảm bảo cho hoạt động của tổ chức Công đoàn.
Theo đại biểu, một số nội dung này trong dự thảo luật chưa bao quát hết nên phân chia rõ về tổ chức bộ máy Công đoàn và tài chính, tài sản Công đoàn.
Về cán bộ Công đoàn chuyên trách, đại biểu cho biết có quy định cán bộ Công đoàn chuyên trách do Công đoàn trả lương từ nguồn tài chính Công đoàn. Trong đó cần quy định sự chủ động về biên chế, số lượng cán bộ công đoàn chuyên trách theo số lượng công đoàn cơ sở, đoàn viên công đoàn và khả năng chi trả lương từ nguồn tài chính công đoàn.
Đại biểu dẫn chứng có Công đoàn cấp huyện quản lý hơn 2.000 Công đoàn cơ sở và gần 150.000 đoàn viên Công đoàn nhưng chỉ có 13 cán bộ Công đoàn thì sẽ rất khó cho hoạt động và chất lượng.
Đại biểu cho biết, dự thảo luật quy định với việc đầu tư nhà ở xã hội, công trình văn hóa thể thao, hạ tầng kỹ thuật có liên quan để phục vụ cho đoàn viên Công đoàn và người lao động. Đây là một nội dung mới mà Quốc hội, Chính phủ giao cho Công đoàn.
Tuy nhiên, theo đại biểu, nếu chỉ ghi ngắn gọn như vậy trong dự thảo luật và không được cụ thể hóa chi tiết rõ ràng hơn thì sẽ rất khó cho tổ chức Công đoàn khi triển khai thực hiện. “Như vậy nếu lúc làm sẽ phải đi xin các bộ, ngành làm kéo dài thời gian, chậm tiến độ thực hiện”, đại biểu nói.
Đại biểu Dương Văn Phước (Đoàn Quảng Nam) cho rằng hiện nay số lượng biên chế được giao cho Công đoàn ít, trong khi đoàn viên Công đoàn, viên chức, lao động liên tục tăng, các liên đoàn lao động tiếp tục phát triển. Như vậy việc quản lý không đảm bảo, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ nếu không bố trí thêm cán bộ Công đoàn chuyên trách.
Đại biểu đề nghị dự thảo luật giữ quy định giao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được quyền quyết định số lượng cán bộ Công đoàn chuyên trách là người làm việc theo hợp đồng lao động trong các cơ quan chuyên trách của Công đoàn và Công đoàn cơ sở.
Nói về quyền của đoàn viên Công đoàn, đại biểu Dương Văn Phước cho rằng dự thảo chưa quy định về quyền của đoàn viên được hưởng các thiết chế văn hóa thể thao, hạ tầng kỹ thuật.
Đại biểu đề nghị bổ sung quyền này và viết theo hướng đoàn viên được hưởng chính sách chăm lo, phúc lợi, thuê nhà ở, các thiết chế văn hóa thể thao có liên quan.
NHÓM PV
(Nguồn: https://laodong.vn/cong-doan/de-xuat-nang-muc-phu-cap-cho-can-bo-cong-doan-co-so-1411879.ldo)