Sáng 5-11, Quốc hội (QH) thảo luận ở hội trường về việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan. Hầu hết đại biểu (ĐB) tán thành sự cần thiết của việc phê chuẩn hiệp định thương mại tự do thế hệ mới này nhưng đồng thời bày tỏ lo ngại trước những vấn đề mới khi Việt Nam tham gia CPTPP, đặc biệt là lao động, Công đoàn (CĐ).
Thách thức lớn chưa từng có
Theo ĐB Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội), Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, dưới giác độ lao động và CĐ, bên cạnh những thuận lợi, thời cơ mà CPTPP mang lại, CĐ Việt Nam sẽ đối mặt với những thách thức lớn chưa từng có, đó là sự ra đời tổ chức đại diện của người lao động (NLĐ) bên cạnh tổ chức CĐ Việt Nam.
Cụ thể hơn, sau khi các điều khoản về lao động, CĐ có hiệu lực, tổ chức CĐ Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với tổ chức của NLĐ về phương thức tập hợp, kết nạp đoàn viên; về tổ chức ở cơ sở và chia sẻ nguồn lực tài chính. Trong khi tổ chức CĐ Việt Nam đồng thời phải thực hiện chức năng đoàn thể chính trị trong hệ thống chính trị Việt Nam thì tổ chức khác chỉ thực hiện một nhiệm vụ là bảo vệ và chăm lo quyền, lợi ích của NLĐ. Bên cạnh đó, sẽ nảy sinh không ít khó khăn khi triển khai các quy định của pháp luật về thương lượng tập thể, ký kết thỏa ước lao động tập thể, lãnh đạo và tổ chức đình công.
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho rằng Công đoàn Việt Nam tiếp tục đổi mới toàn diện, chủ động tham gia CPTPP Ảnh: ĐÌNH NAM
Dù vậy, ông Hiểu cho rằng thực tiễn hội nhập suốt 30 năm qua, nhất là từ khi tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), với kinh nghiệm được tích lũy, với bản lĩnh Việt Nam và với quyết tâm cao, chúng ta đều đã vượt qua những thách thức, tranh thủ được thời cơ, khẳng định thành công của từng nấc thang hội nhập. Ông Hiểu nhấn mạnh thêm tại tờ trình của Chủ tịch nước, báo cáo thuyết minh của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Đối ngoại của QH… cũng đã làm rõ, phân tích sâu những tác động tích cực và tiêu cực; chỉ rõ thời cơ và thách thức, thuận lợi và khó khăn; lợi ích mang lại và những thiệt hại ảnh hưởng cần chấp nhận vì lợi ích lớn hơn, toàn vẹn hơn khi chúng ta tham gia CPTPP.
"Dù biết có nhiều thách thức nhưng lợi ích quốc gia, dân tộc phải đặt trên hết. CĐ Việt Nam sẵn sàng chấp nhận và quyết tâm vượt qua thách thức, coi đây là cơ hội để đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động của tổ chức mình" - ông Ngọ Duy Hiểu bày tỏ.
Thực hiện các nhiệm vụ cốt lõi
Trước bối cảnh hội nhập mới, quan điểm, chủ trương được Tổng LĐLĐ Việt Nam quán triệt là tiếp tục đổi mới theo hướng thực chất, hiệu quả, hướng tới việc thực hiện các nhiệm vụ cốt lõi của tổ chức CĐ là đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của NLĐ.
Để tận dụng nhiều cơ hội, mang lại nhiều lợi ích cho đất nước từ CPTPP, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất 3 nội dung lớn. Thứ nhất, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp (DN), NLĐ, các cơ quan, tổ chức về nội dung, thời cơ, thách thức của CPTPP; định hướng hành động cho các chủ thể liên quan để làm chủ và tận dụng cơ hội từ CPTPP. Thứ hai, Chính phủ cần tập trung xây dựng các kịch bản sau khi CPTPP có hiệu lực, thực hiện theo hướng chi tiết, cụ thể để vừa bảo đảm giải quyết những vấn đề trước mắt vừa mang tính chiến lược, lâu dài. Thứ ba, trong việc sửa đổi Bộ Luật Lao động, cần phải lập những quy định thật sự thông minh, bảo đảm cam kết của chúng ta với các đối tác, đồng thời linh hoạt trong việc thực thi, tổ chức thực hiện.
"Không để những tổ chức khác ra đời không vì lợi ích bảo vệ NLĐ mà vì những động cơ chính trị, chống phá nước ta và cũng không để những tổ chức khác ra đời do giới chủ thao túng, phá hoại CĐ Việt Nam và ảnh hưởng đến hoạt động của DN" - ĐB Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh quan điểm của tổ chức CĐ.
Thảo luận về những thách thức, cơ hội ở lĩnh vực lao động, CĐ, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng, bà Tô Ái Vang, nhấn mạnh các điều khoản quy định liên quan đến quyền của NLĐ gia nhập tổ chức đại diện không thuộc hệ thống CĐ mà đứng bên cạnh Tổng LĐLĐ Việt Nam thực sự là thách thức mới, đòi hỏi có giải pháp cụ thể.
Theo ĐB Tô Ái Vang, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X ban hành Nghị quyết số 20 về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nêu rõ: Xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh là vấn đề sống còn đối với Đảng và chế độ, là mối quan tâm mong đợi của giai cấp công nhân và toàn xã hội. Do vậy, Chính phủ phải lý giải những vấn đề mới nảy sinh về vai trò của giai cấp công nhân trong điều kiện mới để có những chiến lược phù hợp, phát huy vai trò của giai cấp công nhân.
Mặt khác, để hài hòa 3 lợi ích: NLĐ - DN - nhà nước, ĐB Vang đề nghị Chính phủ cùng các cơ quan giải trình và làm rõ giải pháp sửa đổi các văn bản pháp lý và chuyển đổi hoạt động phù hợp.
Phải tuân thủ Hiến pháp, pháp luật nước sở tại
Giải trình ý kiến của ĐBQH về CPTPP, Phó Thủ tướng Chính phủ - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết Chính phủ sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp của các ĐBQH, sau khi hiệp định mới này được phê chuẩn sẽ có các chương trình, kế hoạch thực thi hiệp định cụ thể.
Đối với vấn đề lao động mà ĐB nêu, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng CPTPP không đưa ra tiêu chuẩn riêng về lao động mà chủ yếu khẳng định lại các tiêu chuẩn lao động đã nêu trong tuyên bố năm 1998 của ILO (Tổ chức Lao động quốc tế). Việt Nam với tư cách là thành viên của ILO cũng như các thành viên của CPTPP có nghĩa vụ tôn trọng và thực thi.
Theo Phó Thủ tướng, quy định của ILO cũng khẳng định là tất cả tổ chức của NLĐ phải tuân thủ Hiến pháp, pháp luật của nước sở tại, phải hoạt động phù hợp với tôn chỉ, mục đích và phương thức hoạt động đã được đăng ký với cơ quan nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ.
"Các tổ chức của NLĐ không được có các hoạt động nào có khả năng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an ninh; không được hoạt động ngoài tôn chỉ mục đích và điều lệ đã được đăng ký và được cho phép" - Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh.
Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ trang
Tiếp tục thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài
Chiều cùng ngày, thảo luận về dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam, đa số ĐB nhất trí quy định cảnh sát biển là lực lượng vũ trang nhân dân.
Theo ông Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, quy định cảnh sát biển là lực lượng vũ trang đã thực hiện hơn 20 năm qua, không có vướng mắc và đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế, phù hợp với một số quy định của pháp luật. Ngoài ra, quy định này cũng là căn cứ pháp lý để xác định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng này; đồng thời là cơ sở xây dựng cơ chế, chính sách, bảo đảm cho hoạt động và tạo điều kiện thuận lợi để cảnh sát biển Việt Nam hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Theo dự luật, Cảnh sát biển Việt Nam có nhiệm vụ và quyền tuần tra, kiểm tra, kiểm soát người, tàu thuyền, hàng hóa, hành lý trong vùng biển Việt Nam. Lực lượng cảnh sát biển cũng có quyền truy đuổi tàu thuyền vi phạm pháp luật trên biển, bắt giữ tàu biển theo quy định của pháp luật về bắt giữ tàu biển; có quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, tiến hành một số hoạt động điều tra hình sự theo quy định của pháp luật về tổ chức cơ quan điều tra hình sự, pháp luật về tố tụng hình sự.
* Thảo luận về việc kéo dài thời hạn thực hiện Nghị quyết 30/2016/QH14 về thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam vào sáng cùng ngày, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày báo cáo trước QH, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết từ tháng 2-2017 đến tháng 10-2018 đã cấp 336.932 thị thực điện tử cho người nước ngoài, trong đó đã có 271.530 lượt người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam bằng thị thực điện tử, chủ yếu qua cửa khẩu quốc tế đường không; số tiền thu được từ phí cấp thị thực điện tử gần 195 tỉ đồng. Trên cơ sở kết quả đạt được, Chính phủ đề nghị QH xem xét, cho kéo dài thời gian thực hiện thí điểm thêm 2 năm, kể từ ngày 1-2-2019.
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với đề nghị của Chính phủ, đồng thời kiến nghị QH cho phép kéo dài thời gian thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam thêm 2 năm.
T.Dương - V.Duẩn