Bổ sung một số chính sách đối với nhà giáo nghỉ hưu

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT vừa công bố xin ý kiến rộng rãi dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chế độ trợ cấp đối với nhà giáo đã nghỉ hưu chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu. Nội dung Dự thảo Nghị định được xây dựng trên cơ sở kế thừa các chính sách của Quyết định số 52/2013/QĐ-TTg quy định chế độ trợ cấp đối với nhà giáo đã nghỉ hưu chưa được hưởng phụ cấp thâm niên trong lương hưu (Quyết định số 52) và bổ sung một số quy định mới.

Một số đối tượng giáo viên hưu còn bị thiệt thòi

Ông Hoàng Đức Minh – Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) – cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 21/2011/QH13, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 52/2013/QĐ-TTg ngày 30/8/2013 quy định chế độ trợ cấp đối với nhà giáo đã nghỉ hưu chưa được hưởng phụ cấp thâm niên trong lương hưu.

Sau khi triển khai thực hiện, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với các bộ/ngành liên quan tổ chức tổng kết công tác thực hiện Quyết định số 52 cùng với sự tham gia của Hội Cựu giáo chức Việt Nam, đại diện 63 sở GD&ĐT, đại diện 20 đơn vị bảo hiểm xã hội tỉnh/thành phố và cho thấy tác động tích cực của chính sách.

Quyết định số 52 ban hành là sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, là sự khích lệ, động viên đối với nhà giáo đã nghỉ hưu chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu. Chính sách ban hành theo Quyết định này được đông đảo nhà giáo, cử tri quan tâm, đồng hành ủng hộ.

Tính đến giữa năm 2018, về cơ bản, các đối tượng được quy định tại Quyết định số 52 đã được giải quyết. Số nhà giáo đã được giải quyết chế độ trợ cấp một lần theo Quyết định số 52 là 168.480 người, với tổng kinh phí là trên 2.042 tỷ đồng, trung bình chi trả 12.123.000 đồng/người.

Nhưng thực tiễn cũng cho thấy, sau khi triển khai thực hiện Quyết định số 52, theo số liệu của Hội Cựu giáo chức Việt Nam và ý kiến các bộ, ngành, cũng như qua đánh giá thực tiễn và đối chiếu với các quy định hiện hành cho thấy, còn một số đối tượng nhà giáo do việc tổ chức loại hình trường hoặc cơ chế sử dụng đội ngũ nhà giáo không được tính hưởng chế độ phụ cấp thâm niên theo Quyết định số 52; nên vẫn còn giáo viên bị thiệt thòi, thắc mắc mà thẩm quyền giải quyết vượt khỏi phạm vi quản lý của Bộ GD&ĐT.

Đứng trước thực tiễn và các ý kiến này, Bộ GD&ĐT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trong đó có đề xuất xây dựng văn bản thay thế Quyết định số 52. Ngày 1/11/2018, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 10605/VPCP-KGVX về việc xây dựng văn bản thay thế Quyết định số 52/2013/QĐ-TTg, trong đó truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Đồng ý với đề nghị của Bộ GD&ĐT về việc xây dựng văn bản thay thế Quyết định số 52/2013/QĐ-TTg.

 Ảnh minh họa/ Internet

Bổ sung một số đối tượng nhà giáo nghỉ hưu được hưởng trợ cấp

Theo ông Hoàng Đức Minh, nội dung dự thảo Nghị định được xây dựng trên cơ sở kế thừa các chính sách của Quyết định số 52 và bổ sung một số quy định mới. Nghị định gồm 3 Chương, 11 Điều, 1 phụ lục và 2 mẫu tờ khai.

Thứ nhất, khẳng định lại các đối tượng đã được quy định tại Quyết định số 52, bao gồm: Nhà giáo nghỉ hưu (chủ nhiệm, phó chủ nhiệm nhà trẻ, giáo viên, giảng viên; nhà giáo được cấp có thẩm quyền bổ nhiệm làm công tác quản lý ở các cơ sở giáo dục) khi đang trực tiếp giảng dạy, giáo dục ở các cơ sở giáo dục công lập và các học viện, trường, trung tâm làm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng thuộc cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội hoặc giảng dạy, hướng dẫn thực hành tại các xưởng trường, trạm, trại, phòng thí nghiệm, tàu huấn luyện của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở giáo dục ĐH công lập.

Thứ hai, bổ sung một số đối tượng, bao gồm: Nhà giáo nghỉ hưu khi đang trực tiếp giảng dạy, giáo dục tại cơ sở giáo dục bán công nhưng trước đó được cấp có thẩm quyền điều động từ các cơ sở giáo dục công lập hoặc tại đang công tác tại cơ sở giáo dục công lập và cơ sở giáo dục công lập đó được cấp có thẩm quyền chuyển đổi sang cơ sở giáo dục bán công, các nhà giáo này vẫn được xếp lương theo bảng lương của ngạch viên chức ngành Giáo dục.

Nhà giáo nghỉ hưu có thời gian tham gia dạy ở các lớp học được tổ chức tại các đơn vị thanh niên xung phong hoặc các đơn vị vũ trang khác mà chưa hưởng các chế độ, chính sách của Nhà nước dành cho thanh niên xung phong hoặc lực lượng vũ trang; nhà giáo có thời gian là quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu sau đó chuyển ngành về công tác giảng dạy, giáo dục tại các cơ sở giáo dục công lập khi nghỉ hưu là giáo viên, trong lương hưu có phụ cấp thâm niên lực lượng vũ trang nhưng không có phụ cấp thâm niên nhà giáo.

Ông Minh cũng cho biết, dự thảo giữ nguyên điều kiện tính hưởng trợ cấp và mức trợ cấp như Quyết định số 52. Ngoài ra bổ sung: Trường hợp nhà giáo đủ điều kiện hưởng trợ cấp theo quy định tại Nghị định này nhưng chưa được giải quyết mà từ trần từ ngày 1/1/2012 (ngày Nghị quyết 21 được ban hành) trở đi thì một trong những thân nhân theo thứ tự sau đây của người từ trần được hưởng chế độ trợ cấp: Vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi; bố đẻ, mẹ đẻ; hoặc người nuôi dưỡng hợp pháp. Căn cứ tính trợ cấp đối với thân nhân nhà giáo là mức lương hưu của nhà giáo đang hưởng tại tháng trước khi từ trần.

“Công văn số 4281/BHXH-CSXH ngày 29/10/2013 hướng dẫn thực hiện chế độ trợ cấp đối với nhà giáo đã nghỉ hưu theo Quyết định số 52/2013/QĐ-TTg đã quy định về chế độ đối với nhà giáo đủ điều kiện hưởng trợ cấp nhưng chưa được giải quyết, đã chết từ ngày 1/1/2012 trở đi. Đến nay, các đối tượng này đã cơ bản được giải quyết, đây cũng là sự đảm bảo tính chấp hành trong thực hiện chính sách” – ông Hoàng Đức Minh làm rõ lý do.

Cũng theo ông Hoàng Đức Minh, để đảm bảo không có sự chồng chéo trong thực hiện chính sách, dự thảo cũng quy định các đối tượng đã được thực hiện đầy đủ chính sách theo quy định tại Quyết định số 52 thì không hưởng các chính sách quy định tại Nghị định này và các quy định về hồ sơ, trình tự, thời hạn giải quyết chế độ tại dự thảo cơ bản giữ nguyên như Quyết định số 52. Với nguồn kinh phí thực hiện, do đối tượng thụ hưởng chế độ quy định tại Nghị định này là những người đang hưởng lương hưu nên kinh phí thực hiện trợ cấp quy định tại Nghị định này do ngân sách Trung ương bảo đảm theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước.

Hiếu Nguyễn

(Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/ket-noi/bo-sung-mot-so-chinh-sach-doi-voi-nha-giao-nghi-huu-4026583-b.html)

Date : 15-08-2019
Tags:

Bài viết liên quan