Ngày 2.10, phiên họp toàn thể lần thứ 15 của Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã cho ý kiến về đề xuất bổ sung Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020.
Phát biểu tại phiên họp, ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, Luật Công đoàn hiện hành được Quốc hội khoá XIII thông qua, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2013.
Sau hơn 6 năm thực hiện, luật đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho tổ chức Công đoàn thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ, phát huy vai trò, tác dụng trong xã hội, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội của đất nước trong thời gian qua.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Khang cho rằng, theo đánh giá của các cấp công đoàn, Luật Công đoàn đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, chưa phù hợp với yêu cầu của thực tiễn. Do đó, luật này cần phải được tiếp tục sửa đổi.
Từ thực tiễn đó, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn đã thành lập Ban chỉ đạo sửa đổi bổ sung Luật Công đoàn và tiến hành các hoạt động nghiên cứu, xây dựng dự án luật.
"Tổng LĐLĐVN đã hoàn thiện và gửi hồ sơ đề nghị xây dựng luật, xin ý kiến Chính phủ, các bộ, ngành, đồng thời gửi hồ sơ báo cáo Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội", Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang nói.
Hồ sơ đề nghị xây dựng luật cũng đã được đăng trên Cổng thông tin điện tử của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam từ ngày 17.5.2019 để lấy ý kiến của công nhân lao động, nhân dân và tổ chức nhiều hội nghị lấy ý kiến của các bên liên quan.
Ông Nguyễn Đình Khang cho biết thêm, hiện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang hoàn thiện Đề án “Đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” để trình Bộ Chính trị phê duyệt và đề xuất Bộ Chính trị ban hành một Nghị quyết chuyên đề về Công đoàn Việt Nam.
Bên cạnh đó, Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) cũng đang trong quá trình chỉnh lý, hoàn thiện để có thể trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 8 sẽ diễn ra vào tháng 10 và 11.2019. Trong dự thảo bộ luật có nhiều quy định liên quan mật thiết với các quy định của Luật Công đoàn.
"Để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa các luật sau khi ban hành, đồng thời có thời gian rà soát, đánh giá kỹ các chính sách trong đề nghị xây dựng luật đảm bảo chất lượng, cụ thể hóa đúng nội dung, tinh thần Hiến pháp năm 2013 và thể chế hóa đầy đủ các nghị quyết của Đảng có liên quan, trong đó có chủ trương của Bộ Chính trị đối với Công đoàn Việt Nam trong bối cảnh mới, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho phép lùi thời điểm trình dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) đến năm 2020 và bổ sung dự án luật này vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020", ông Khang nói.
Nêu ý kiến tại phiên họp, bà Nguyễn Thuý Anh, Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, dự án luật hiện còn cần bổ sung và chỉnh lý, đồng thời tiếp thu những ý kiến các đại biểu nêu.
"Nhiệm vụ sắp tới của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là làm sao phải để cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhìn thấy dự án luật đủ điều kiện để trình ra Quốc hội. Đồng thời, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phải làm đề xuất bổ sung dự án luật này vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020", bà Thuý Anh nói.