Tài chính Công đoàn: Chi tập trung nhiều nhất tại cấp Công đoàn cơ sở

Thời gian qua, công tác quản lý tài chính, tài sản Công đoàn (CĐ) ngày càng chặt chẽ, chấp hành đúng kỷ luật tài chính và tuân thủ chế độ kế toán. Nguồn tài chính CĐ hiện nay chủ yếu được tập trung để Công đoàn cơ sở (CĐCS) thực hiện chức năng chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích của đoàn viên và người lao động.

Kinh phí Công đoàn là nguồn quan trọng để chăm lo đoàn viên, người lao động. Trong ảnh: Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Đình Khang thăm, tặng quà công nhân tại khu nhà trọ ở quận Gò Vấp, TPHCM. Ảnh: NAM DƯƠNG

Kinh phí Công đoàn là nguồn quan trọng để chăm lo đoàn viên, người lao động. Trong ảnh: Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Đình Khang thăm, tặng quà công nhân tại khu nhà trọ ở quận Gò Vấp, TPHCM. Ảnh: NAM DƯƠNG

 

Thực hiện nhiệm vụ chăm lo người lao động

Ngày 28.7.1929, tại ngôi nhà số 15 phố Hàng Nón, Hà Nội, dưới sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Đông Dương Cộng sản Đảng, Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ (tiền thân của tổ chức Công đoàn VN) chính thức được thành lập, do lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh đứng đầu.

Việc thành lập tổ chức CĐ của giai cấp công nhân Việt Nam góp phần vào sự lớn mạnh của phong trào cách mạng Việt Nam. Từ khi thành lập đến khi đất nước giành độc lập năm 1945, tổ chức CĐVN đã tích cực tuyên truyền, vận động công nhân lao động (CNLĐ) liên tục đấu tranh chống áp bức bóc lột, giành độc lập cho dân tộc. Thời kỳ này, kinh phí hoạt động của tổ chức CĐ chủ yếu từ sự đóng góp tự nguyện của hội viên, người lao động (NLĐ).

Năm 1946, trước yêu cầu và nhiệm vụ mới của cách mạng, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, vấn đề củng cố và phát triển CĐ được gắn chặt với nhiệm vụ sản xuất, chiến đấu và ổn định đời sống của công nhân. Thời kỳ này, kinh phí hoạt động của tổ chức CĐ bên cạnh sự đóng góp, hỗ trợ của khoảng hơn 241.700 đoàn viên, còn có sự hỗ trợ của Nhà nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, CĐVN tập hợp, đoàn kết rộng rãi của CNLĐ trong cả nước cùng toàn dân đấu tranh xây dựng, bảo vệ chính quyền nhân dân, bảo vệ nền độc lập dân tộc, bảo vệ quyền và lợi ích của NLĐ.

Năm 1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 108-SL/L10 ban hành Bộ luật CĐ để bổ sung thêm cơ sở pháp lý quan trọng cho hoạt động CĐ. Sự kiện này đánh dấu một bước ngoặt lớn trong việc kiện toàn tổ chức và nâng cao vị thế của CĐVN, trong đó đã quy định rõ nội dung về kinh phí CĐ: “Tiền trích hằng tháng trong quỹ của xí nghiệp Nhà nước, cơ quan, trường học, chủ xí nghiệp tư bản tư doanh dành cho CĐ bằng một tỉ lệ nhất định của tổng số lương cấp phát cho toàn thể công nhân, viên chức (CNVC)” và được cụ thể hóa tại Nghị định số 188-TTg ngày 9.4.1958 do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký ban hành…

Trong đó, Điều 19 quy định rõ “số tiền gọi là kinh phí CĐ bằng hai phần trăm (2%) tổng số tiền lương cấp phát trong tháng cho toàn thể CNVC, không phân biệt trong hay ngoài biên chế”.

Cũng như Luật CĐ năm 1957, Luật CĐ năm 1990 tiếp tục bảo đảm quyền của CĐ được Nhà nước, thủ trưởng cơ quan đơn vị, tổ chức tạo điều kiện cần thiết cung cấp thông tin cho CĐ hoạt động (Điều 14); những bảo đảm sự hoạt động của cán bộ CĐ (Điều 15); vấn đề tài chính của CĐ (Điều 16) về sở hữu tài sản của CĐ (Điều 17). Theo đó, tài chính CĐ thời kỳ này đã được cụ thể hóa bằng Thông tư liên Bộ số 103/TT-LB ngày 02/12/1994 của Bộ Tài chính và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN).

Luật CĐ năm 2012 đã được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 20.6.2012 và có hiệu lực từ ngày 1.1.2013. Ngay sau khi Luật CĐ năm 2012 có hiệu lực, Tổng LĐLĐVN đã phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định số 191/2013/NĐ-CP ngày 21.11.2013 quy định chi tiết về tài chính CĐ…

Qua các giai đoạn lịch sử, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhân dân… tổ chức CĐ thực hiện tốt việc thu kinh phí CĐ (2%), thu đoàn phí CĐ (1%) và nguồn thu khác (chuyên môn hỗ trợ, thu từ các hoạt động kinh tế, Ngân sách Nhà nước hỗ trợ…) đã đảm bảo điều kiện cho tổ chức CĐ hoạt động, thực hiện tốt chức năng đại diện, đặc biệt là chăm lo, bảo vệ cho đoàn viên, NLĐ, góp phần đồng hành cùng danh nghiệp phát triển… Qua đó tổ chức CĐ đã hoàn thành nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao.

 

Chi tập trung nhiều nhất tại cấp CĐCS

Việc sử dụng tài chính CĐ được tổ chức CĐVN thực hiện theo quy định tại Điều 27 Luật CĐ 2012.

Cụ thể, các cấp CĐ dùng để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cho NLĐ; tổ chức hoạt động đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ; phát triển đoàn viên CĐ, thành lập CĐCS, xây dựng CĐ vững mạnh; tổ chức phong trào thi đua do CĐ phát động; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ CĐ; đào tạo, bồi dưỡng NLĐ ưu tú tạo nguồn cán bộ cho Đảng, Nhà nước và tổ chức CĐ; tổ chức hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch cho NLĐ; tổ chức hoạt động về giới và bình đẳng giới; thăm hỏi, trợ cấp cho đoàn viên CĐ và NLĐ khi ốm đau, thai sản, hoạn nạn, khó khăn; tổ chức hoạt động chăm lo khác cho NLĐ; động viên, khen thưởng NLĐ, con của NLĐ có thành tích trong học tập, công tác; trả lương cho cán bộ CĐ chuyên trách, phụ cấp trách nhiệm cho cán bộ CĐ không chuyên trách; chi cho hoạt động của bộ máy CĐ các cấp…

Về chi tài chính CĐ, từ năm 2013 đến năm 2019, tổng số chi tại các cấp CĐ là 76.985 tỉ đồng. Trong đó, số chi tập trung nhiều nhất tại cấp CĐCS là 56.331 tỉ đồng, chiếm 73,2% tổng chi; số chi tại cấp quận, huyện là 11.372 tỉ đồng chiếm 14,8% tổng chi; số chi tại cấp tỉnh, ngành 8.395 tỉ đồng, chiếm 10,9% tổng chi; số chi tại cấp Tổng LĐLĐVN 576 tỉ đồng, chiếm 0,8% tổng chi; tổng chi của các đơn vị sự nghiệp CĐ toàn quốc là 308 tỉ đồng chiếm 0,4%.

Khi có Luật CĐ 2012, Tổng LĐLĐVN đã ban hành Nghị quyết 07b/NQ-TLĐ, từ năm 2016 nguồn KPCĐ dành cho CĐCS mỗi năm tăng 1%, phấn đấu đến năm 2025 nguồn KPCĐ dành cho CĐCS là 75%. Từ đó CĐCS sẽ có thêm điều kiện để chăm lo, bảo vệ cho đoàn viên và người lao động.

Tại các doanh nghiệp chưa thành lập CĐCS, NLĐ vẫn được sự quan tâm, chăm lo, vệ quyền lợi của NLĐ tại các cấp CĐ. Từ năm 2013 đến năm 2019, tổng số chi tại nơi chưa thành lập CĐCS là 143 tỉ đồng.

Theo ông Nguyễn Minh Dũng - Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, Trưởng ban Tài chính Tổng LĐLĐVN - việc chi tài chính CĐ cơ bản đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả, theo đúng quy định của Nhà nước và Tổng LĐLĐVN. Tổng LĐLĐVN đã ban hành quy định nội dung chi, cơ cấu chi của CĐCS, giao CĐCS chủ động xây dựng mức chi theo nguồn thu. Tỉ trọng chi trong các cấp CĐ có chuyển biến tích cực theo hướng tăng dần tại cấp CĐCS.

 

Trong tác phẩm Đường cách mệnh, tại Điểm thứ 11: “Sao hội viên phải nộp hội phí?”, Người nhận mạnh rằng: “Có hội thì có phí tổn... Nếu hội không có tiền thì không làm được. Cho nên hội viên phải “góp gió làm bão”. “Khi hội có tiền thừa thãi, thì nên làm những việc này: 1/ Lập trường học cho công nhân. 2/ Lập trường cho con cháu công nhân. 3/ Lập nơi xem sách xem báo. 4/ Lập nhà thương cho công nhân. 5/ Lập nhà ngủ, nhà tắm, nhà hát. 6/ Mở hiệp tác xã. 7/ Tổ chức công binh, đồng tử quân... Hội tiêu tiền phải phân minh, cho hội viên biết”. Như vậy, đây là những định hướng đầu tiên Người đối với công tác tài chính Công đoàn.

Đề nghị CĐCS được sử dụng 75% kinh phí Công đoàn

Bà Đinh Thị Thúy Hà - Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế (CĐ KKT) Hải Phòng - cho biết, thực hiện Nghị quyết 7b/NQ-TLĐ ngày 21.1.2016 của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (BCH Tổng LĐLĐVN) khóa XI; Kế hoạch số 22/KH-LĐLĐ ngày 8.3.2016 của Ban Thường vụ LĐLĐ TP.Hải Phòng về triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 BCH Tổng LĐLĐVN về công tác tài chính CĐ trong tình hình mới, CĐ KKT Hải Phòng đã triển khai văn bản, hướng dẫn tới các Công đoàn cơ sở (CĐCS) trực thuộc thực hiện theo quy định, hướng dẫn của CĐ cấp trên. Cụ thể: Tăng tỉ lệ kinh phí CĐCS được sử dụng theo hướng mỗi năm tăng thêm 1% kể từ năm 2016 để đến năm 2020 đạt 70% và định hướng từ 2021 đến năm 2025.

Từ nguồn được tăng chi, các CĐCS đã có điều kiện tổ chức hoạt động đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng và chăm lo cho đoàn viên CĐ, chăm lo cho người lao động (NLĐ) được tốt hơn.

Năm 2020, với tỉ lệ kinh phí CĐCS được sử dụng là 70% và phương châm hướng về cơ sở, để CĐCS chủ động nguồn kinh phí hoạt động và có điều kiện chăm lo tốt hơn cho NLĐ, CĐ KKT Hải Phòng đề nghị Tổng LĐLĐVN xem xét, điều chỉnh tăng mức chi cho CĐCS phù hợp với tình hình thực tế theo hướng: CĐCS được sử dụng 75% và nộp về CĐ cấp trên 25% tổng thu kinh phí (sớm hơn so với lộ trình tại Nghị quyết 7b).

 

Date : 08-10-2020
Tags:

Bài viết liên quan