Hội nghị trực tuyến toàn quốc học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam

(NLĐO)- Sáng 6-12, đoàn chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, với sự tham dự của gần 25.000 cán bộ chủ chốt Công đoàn các cấp tham dự.

 

Sáng 6-12, đoàn chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn (CĐ) Việt Nam.

Ông Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam; ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam, cùng các phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu và Phan Văn Anh trực tiếp quán triệt, truyền đạt các chuyên đề.

Hội nghị trực tuyến kết nối 364 điểm cầu trong toàn quốc, trong đó có 301 điểm cầu tại cấp huyện, với 24.814 cán bộ chủ chốt CĐ các cấp tham dự, bao gồm: Các ủy viên Ban Chấp hành, ủy viên Ủy ban Kiểm tra cấp Tổng LĐLĐ Việt Nam, cấp tỉnh, thành phố, CĐ ngành Trung ương, CĐ tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn và cấp quận, huyện, ngành tương đương; cán bộ CĐ chuyên trách từ CĐ cơ sở trở lên; chủ tịch CĐ cơ sở ở các đơn vị có từ 2.000 đoàn viên CĐ trở lên.

Riêng điểm cầu Hà Nội, tại Cung Văn hóa hữu nghị Việt Xô, có 1.700 cán bộ CĐ chủ chốt thuộc 18 CĐ ngành Trung ương, LĐLĐ TP Hà Nội, cơ quan Tổng LĐLĐ Việt Nam tham gia học tập.

Hội nghị trực tuyến toàn quốc học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam - Ảnh 2.

Cán bộ CĐ chủ chốt tham dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nội - Ảnh: Hải Nguyễn

Phát biểu khai mạc, ông Bùi Văn Cường cho biết đây là hội nghị trực tuyến lần đầu tiên do tổ chức CĐ tổ chức với quy mô lớn, nhằm mục đích triển khai Nghị quyết Đại hội XII CĐ Việt Nam một cách thông suốt tới các cấp CĐ.

Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị cán bộ CĐ các cấp tập trung lắng nghe, ghi chép, quán triệt các nội dung của nghị quyết; để từ đó, từ những vị trí công tác của mình, có những suy nghĩ về những phần nghị quyết để triển khai thực hiện một cách có hiệu quả; viết thu hoạch để nhìn nhận nhiệm vụ của mình.

Tại hội nghị, thường trực đoàn chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam trực tiếp quán triệt, truyền đạt 5 chuyên đề, gồm: Tư duy mới và những vấn đề lớn của Nghị quyết Đại hội CĐ Việt Nam lần thứ XII; đổi mới việc thực hiện chức năng đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, việc tổ chức các phong trào thi đua yêu nước trong tình hình mới; đổi mới tổ chức và hoạt động CĐ, củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Nữ công quần chúng, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát CĐ trong tình hình mới; vấn đề xây dựng nguồn lực tài chính đủ mạnh trong tổ chức CĐ; đổi mới phương thức hoạt động, công tác thông tin tuyên truyền vận động công nhân viên chức lao động, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại của tổ chức CĐ.

Sau hội nghị, cán bộ tham gia học tập sẽ viết bài thu hoạch, trong đó đưa ra các kế hoạch, giải pháp của bản thân để thực hiện tốt nhiệm vụ được phân công.

Nghị quyết Đại hội CĐ Việt Nam lần thứ XII được thông qua ngày 26-9-2018 tại Đại hội CĐ Việt Nam lần thứ XII.

Mục tiêu tổng quát của nghị quyết là nâng cao hiệu quả đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi của đoàn viên và người lao động, vì việc làm bền vững, đời sống ngày càng cao. Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao giác ngộ giai cấp, bản lĩnh chính trị, tinh thần yêu nước, hiểu biết pháp luật, trách nhiệm cao, tay nghề giỏi, góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam lớn mạnh. Hoàn thiện mô hình tổ chức, đổi mới phương thức hoạt động, xây dựng đội ngũ cán bộ CĐ bản lĩnh, trí tuệ, chuyên nghiệp; tập hợp, thu hút đông đảo người lao động vào tổ chức CĐ Việt Nam; xây dựng CĐ Việt Nam vững mạnh. Tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Các chỉ tiêu phấn đấu:

- Đến năm 2023 kết nạp 2 triệu đoàn viên; thành lập tổ chức cơ sở của CĐ ở 100% doanh nghiệp có 25 công nhân lao động trở lên; phấn đấu các doanh nghiệp có 10 lao động trở lên có tổ chức CĐ.

- Hằng năm bình quân mỗi CĐ cơ sở giới thiệu được ít nhất 1 đoàn viên CĐ ưu tú cho Đảng xem xét, bồi dưỡng kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

- Hằng năm có 80% trở lên CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở đạt loại tốt; 80% trở lên CĐ cơ sở khu vực nhà nước, 55% trở lên CĐ cơ sở ngoài khu vực nhà nước đạt vững mạnh.

- Triển khai đầu tư xây dựng tối thiểu 50 thiết chế của tổ chức CĐ gồm nhà ở, nhà trẻ, siêu thị, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, tư vấn pháp luật... tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

- 100% CĐ cơ sở khu vực hành chính sự nghiệp và doanh nghiệp nhà nước, 70% trở lên CĐ cơ sở ngoài khu vực nhà nước thành lập được Ban Nữ công quần chúng theo quy định của Điều lệ CĐ Việt Nam.

- Thu tài chính CĐ đạt 90% trở lên so với số phải thu kinh phí và đoàn phí CĐ theo quy định của nhà nước và Tổng LĐLĐ Việt Nam.

- Hằng năm, 100% CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở tổ chức thực hiện việc kiểm tra tài chính cùng cấp.

- Hằng năm có từ 98% trở lên cơ quan, đơn vị tổ chức hội nghị cán bộ, công chức; từ 95% trở lên doanh nghiệp nhà nước và 60% trở lên doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước tổ chức hội nghị người lao động; từ 90% trở lên doanh nghiệp nhà nước và 70% trở lên doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước tổ chức đối thoại tại nơi làm việc.

- Từ 70% trở lên doanh nghiệp có tổ chức CĐ ký kết thỏa ước lao động tập thể, trong đó ít nhất 45% đạt loại B trở lên.

Ba khâu đột phá:

(1) Đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động; chăm lo lợi ích đoàn viên, đại diện, bảo vệ người lao động;

(2) Xây dựng đội ngũ cán bộ CĐ nhất là đội ngũ chủ tịch CĐ cơ sở khu vực ngoài nhà nước đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ;

(3) Xây dựng nguồn lực CĐ đủ mạnh, đẩy mạnh công tác truyền thông CĐ đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.

Nhiệm vụ tổng quát:

(1) Phát triển đa dạng, hiệu quả các hoạt động chăm lo lợi ích cho đoàn viên CĐ. Đổi mới cơ chế hoạt động xã hội của CĐ theo hướng góp phần đảm bảo quyền an sinh xã hội. Nâng cao năng lực đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người lao động, cán bộ CĐ; chủ động tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.

(2) Tiến hành thường xuyên, đồng bộ, chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục, góp phần nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động cho người lao động. Chủ động thông tin về tổ chức và hoạt động CĐ, chú trọng công tác định hướng thông tin trên internet và mạng xã hội. Tham gia xây dựng môi trường văn hóa tích cực trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, khu công nghiệp; đời sống tinh thần lành mạnh cho người lao động. Chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền đồng cấp về những vấn đề mới, diễn biến mới trong phong trào công nhân, viên chức, lao động và tổ chức CĐ.

(3) Tiếp tục đổi mới mô hình tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động CĐ; chú trọng công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐ cơ sở gắn liền với việc nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức CĐ; đẩy mạnh công tác đào tạo bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ CĐ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

(4) Nâng cao hiệu quả phong trào thi đua và công tác khen thưởng cho phù hợp với điều kiện lao động, làm việc, công tác của cán bộ, công chức, viên chức, lao động. Chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng các mô hình, điển hình mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội cao;

Triển khai chương trình "CĐ Việt Nam đồng hành với Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước" nhằm phát huy vai trò của công nhân lao động và tổ chức CĐ trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

(5) Thực hiện toàn diện và chất lượng công tác nữ công ở các cấp CĐ, trọng tâm là quyền và việc làm bền vững của lao động nữ; xây dựng gia đình công nhân, viên chức, lao động no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; chăm lo tốt hơn con công nhân, viên chức, lao động.

(6) Chủ động hội nhập quốc tế; nâng cao vị thế và khẳng định vai trò của tổ chức CĐ Việt Nam; phát huy hiệu quả các hoạt động hợp tác quốc tế hỗ trợ cho hoạt động CĐ.

(7) Nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác kiểm tra, giám sát CĐ. Kiện toàn ủy ban kiểm tra và văn phòng ủy ban kiểm tra CĐ các cấp, từng bước nâng cao chất lượng cán bộ làm công tác kiểm tra, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

(8) Tăng cường công tác quản lý thu, chi tài chính, quản lý tài sản CĐ theo hướng chuyên nghiệp, công khai, minh bạch, thực hiện phân phối công bằng, hiệu quả; xây dựng nguồn lực đủ mạnh để đáp ứng nhiệm vụ của tổ chức CĐ trong tình hình mới.

(9) Đổi mới phương thức chỉ đạo và tổ chức thực hiện theo hướng lấy người lao động làm trung tâm; hoạt động chủ yếu ở cơ sở; CĐ cấp trên phục vụ CĐ cấp dưới; phát huy sức mạnh tổng hợp trong việc xây dựng tổ chức CĐ vững mạnh. Đẩy mạnh cải cách hành chính; phát huy dân chủ, tăng cường trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện.

Văn Duẩn
(Nguồn: https://nld.com.vn/cong-doan/hoi-nghi-truc-tuyen-toan-quoc-hoc-tap-quan-triet-nghi-quyet-dai-hoi-xii-cong-doan-viet-nam-20181206125646445.htm)

 

Date : 07-12-2018
Tags:

Bài viết liên quan