Dự kiến trong sáng 24.10, các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi).
Theo chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 24.10, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội sẽ trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi). Sau đó, các đại biểu sẽ thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi).
Tiếp đó, cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Trước khi Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV diễn ra, Công đoàn đã tổ chức nhiều hội nghị đóng góp ý kiến vào dự thảo luật; nhiều hội nghị tiếp xúc cử tri góp ý về dự thảo luật cũng đã diễn ra, ghi nhận nhiều ý kiến.
Nhiều ý kiến của cán bộ công đoàn, người lao động đã đề nghị cần bố trí cán bộ chuyên trách công đoàn tại các doanh nghiệp có từ 1.000 lao động trở lên; bổ sung thêm cơ chế ngoài phân bổ số lượng cán bộ chuyên trách công đoàn nên có thêm cơ chế cho thuê cán bộ hợp đồng; cần quy định thêm điều kiện để trở thành cán bộ công đoàn không chuyên trách...
Tại hội nghị tham vấn các đồng chí nguyên lãnh đạo Tổng Liên đoàn về dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) mới đây, nhiều ý kiến đánh giá cao dự thảo với các nội dung mới được đề cập và làm rõ như: vấn đề nghiệp đoàn, phản biện xã hội, quyền giám sát, vai trò công đoàn được đề cao hơn… Nhiều ý kiến thống nhất với quy định tại Điều 26 của dự thảo về bảo đảm về tổ chức bộ máy, cán bộ công đoàn.
Ông Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - cho biết, Luật Công đoàn (sửa đổi) được xác định là đạo luật khó, vừa bảo đảm để công đoàn thực hiện tốt vai trò là tổ chức chính trị - xã hội, vừa làm tốt vai trò là tổ chức đại diện, bảo vệ người lao động.
Theo ông Nguyễn Đình Khang, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xác định, việc sửa đổi Luật Công đoàn lần này phải đảm bảo cho Công đoàn Việt Nam - tổ chức rộng lớn của giai cấp công nhân và người lao động - ngày càng lớn mạnh, hoạt động hiệu quả, thu hút được đông đảo người lao động tham gia.
Sửa Luật Công đoàn cần kế thừa những nội dung đã khẳng định được tính hợp lý, ổn định, hiệu quả trong quá trình thực hiện. Việc sửa đổi phải phù hợp với thể chế chính trị, phù hợp với yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế dưới sự lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5-6.2024), trong phiên thảo luận tổ đã có 78 ý kiến phát biểu, phiên họp toàn thể tại Hội trường đã có 32 lượt ý kiến phát biểu, 6 lượt ý kiến tranh luận về dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi).
Cũng trong ngày 24.10, theo chương trình, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Y tế, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Nhóm phóng viên báo lao động
https://laodong.vn/cong-doan/quoc-hoi-thao-luan-ve-du-thao-luat-cong-doan-sua-doi-1411636.ldo
(Nguồn: http://www.congdoan.vn/tin-tuc/hoat-dong-cong-doan-3569/quoc-hoi-thao-luan-ve-du-thao-luat-cong-doan-(sua-doi)-880830.tld)