Một trong các khâu đột phá của nhiệm kỳ 2023 – 2028 và được thực hiện bắt đầu ngay từ năm 2024 của CĐ Giáo dục Việt Nam là rà soát chế độ tiền lương, thu nhập của người lao động; phản ánh thực trạng đời sống giáo viên, nhân viên trường học, đề xuất căn cứ thay đổi lương và nâng cao thu nhập, thúc đẩy quá trình cải cách chế độ tiền lương... Những hoạt động này sẽ góp phần quan trọng giúp các thầy cô yên tâm đứng trên bục giảng, giúp nhân viên nhà trường chú tâm công việc.
Chương trình phúc lợi với 500 căn hộ giá ưu đãi
Cuối tháng 1.2024, Đoàn công tác của CĐ Giáo dục Việt Nam, Sở Giáo dục và Đào tạo và CĐ ngành Giáo dục Nghệ An đã thực hiện khảo sát, nắm tình hình về đời sống, thu nhập, điều kiện làm việc của nhân viên trường học tại 2 huyện Thanh Chương và Đô Lương. Trước đó, CĐ Giáo dục Việt Nam nhận được 9 đơn thư với hơn 500 chữ ký của nhân viên trường học tại các đơn vị. Trong đó có 76 chữ ký tại huyện Thanh Chương và 82 chữ ký tại huyện Đô Lương.
Các nhân viên kế toán, văn thư, thư viện, hành chính và nhân viên thiết bị trong trường học có 4 kiến nghị chính, gồm: Xem xét được hưởng phụ cấp ưu đãi ngành hay phụ cấp trách nhiệm theo nghề và phụ cấp thâm niên nghề; Bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh và xin được xét thăng hạng thay vì phải thi thăng hạng không đảm bảo tính công bằng giữa nhân viên lớn tuổi với trẻ tuổi, sự đồng đều giữa các địa phương và không chứng minh được năng lực kinh nghiệm; Chính sách tiền lương cho nhân viên kế toán ngành giáo dục còn thấp so với giáo viên và các vị trí tương tự ở các ngành khác, chưa thực sự phù hợp với vị trí việc làm; Giáo viên, nhân viên đều được nghỉ hè, nhưng kế toán vẫn phải đi làm.
Theo TS.Nguyễn Ngọc Ân – Chủ tịch CĐ Giáo dục Việt Nam, mục đích của cuộc khảo sát là nắm bắt, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng và tập hợp các kiến nghị, đề xuất của nhân viên trường học. Từ đó có căn cứ đề xuất lên cấp trên có thẩm quyền xem xét và điều chỉnh để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, nhân viên trường học. Qua đó hướng tới nâng cao chất lượng phục vụ giáo dục của các nhà trường và trong toàn ngành Giáo dục.
CĐ Giáo dục Việt Nam luôn thực hiện chức năng nắm bắt tâm tư nguyện vọng của đội ngũ nhà giáo, người lao động. Từ đó phản ánh, đề xuất kiến nghị để các chế độ chính sách liên quan đến nhà giáo, nhà trường thay đổi theo hướng đảm bảo đời sống, việc làm và cơ hội cống hiến của họ. Sự có mặt kịp thời của CĐ Giáo dục Việt Nam bên cạnh đoàn viên, người lao động để ghi nhận những điều đoàn viên, người lao động muốn chia sẻ đã tạo dựng niềm tin với tổ chức CĐ.
Một ví dụ khác, trong năm 2023, trước thực trạng giáo viên bỏ việc, chuyển nghề diễn ra ở nhiều trường học, CĐ Giáo dục Việt Nam đã chỉ đạo các cấp CĐ trong ngành Giáo dục tổ chức nhiều hoạt động tháo gỡ khó khăn trong lao động và cuộc sống, như tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ, sử dụng các nguồn kinh phí từ tổ chức CĐ để hỗ trợ; giảm áp lực cho giáo viên thông qua việc hướng dẫn cách thức xử lý khủng hoảng tâm lý, sẵn sàng đối mặt và biết cách giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình đổi mới giáo dục, trong quá trình đối mặt với những tình huống sư phạm diễn ra ngày càng phức tạp... Từ đó, giáo viên nhìn nhận đúng giá trị nghề nghiệp, có năng lực, đạo đức nghề nghiệp đáp ứng với yêu cầu đặt ra và tự tin, yêu nghề, gắn bó và cống hiến.
Không những thế, CĐ Giáo dục Việt Nam còn có triển khai chương trình “Phúc lợi cho đoàn viên và người lao động”. Cuối tháng 5 vừa qua, CĐ Giáo dục Việt Nam tiến hành ký kết hợp tác với Công ty cổ phần đầu tư xây dựng BCONS nhằm thỏa thuận một số quyền lợi đối với cán bộ, nhà giáo, người lao động trong ngành Giáo dục. Việc ký kết nhằm giúp đội ngũ cán bộ, nhà giáo, người lao động trong ngành giáo dục có sự ổn định trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, có không gian đầu tư, thiết kế bài giảng và nghiên cứu khoa học.
Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng BCONS sẽ dành 500 căn hộ giá ưu đãi phù hợp với khả năng tài chính của cán bộ, nhà giáo, người lao động trong ngành Giáo dục. Đối tượng hướng tới sẽ ưu tiên giảng viên, giáo viên trẻ, chưa có nhà, đáp ứng các tiêu chí mà CĐ Giáo dục Việt Nam đưa ra.
Theo lãnh đạo CĐ Giáo dục Việt Nam, các hoạt động của CĐ Giáo dục Việt Nam luôn có sự đồng hành của Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng BCONS. Việc Công ty có gói ưu đãi cho cán bộ, nhà giáo, người lao động trong ngành Giáo dục là một bước đột phá, cách làm mới, mạnh dạn, sáng tạo, có tính bền vững và nhân văn.
Mô hình trường học hạnh phúc mang lại niềm vui
Thực tế cho thấy trong quá trình làm nghề, chỉ có tình yêu thôi là chưa đủ mà phải có sự thấu hiểu về nghề, đặc biệt là khả năng đối mặt với những thách thức từ chủ quan đến khách quan. Do đó CĐ Giáo dục Việt Nam vẫn tiếp tục thúc đẩy lan tỏa và nhân rộng mô hình trường học hạnh phúc. Trường học hạnh phúc hướng tới việc hình thành các giá trị cốt lõi là yêu thương, an toàn và tôn trọng.
Trong đó, mỗi thành viên từ cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh được nói lên suy nghĩ, có điều kiện đổi mới sáng tạo, phát huy hết các năng lực cá nhân. Khi thực hiện trường học hạnh phúc, giáo viên sẽ có những phương pháp biết tự mình vượt qua những khó khăn, biết mang lại những cảm xúc tích cực cho mình để ứng phó với những tình huống sư phạm ngày càng khó khăn, ngày càng phức tạp. Từ đó họ cảm thấy hạnh phúc. Khi giáo viên hạnh phúc, họ muốn đến trường, muốn được khẳng định giá trị của bản thân, họ làm tốt công việc của mình kéo theo đó là nhà trường có kết quả cao, các em học sinh hạnh phúc.
Đơn cử như tại Lạng Sơn, Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh phối hợp CĐ ngành Giáo dục tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị chú trọng triển khai thực hiện mô hình “Xây dựng trường học hạnh phúc”. Để tạo sự chuyển biến căn bản trong nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, nhà giáo, người lao động theo tinh thần trường học hạnh phúc, các cấp CĐ toàn ngành Giáo dục tỉnh chủ động phối hợp với chuyên môn tập trung xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý cơ bản đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu với hơn 20.000 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên toàn ngành, đảm bảo đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
Đồng thời quan tâm chăm lo tới đội ngũ nhà giáo, người lao động, khơi dậy tâm huyết, nhiệt tình, sáng tạo của đội ngũ nhà giáo. Tại Trường THPT Cao Lộc, huyện Cao Lộc nhà trường – nơi có gần 100 đoàn viên CĐ - luôn chú trọng xây dựng văn hóa ứng xử trong nhà trường; phát huy tính dân chủ, tinh thần tự giác, tự nguyện của giáo viên và học sinh trong thực hiện nội quy của ngành, của trường. Thực hiện xây dựng trường học hạnh phúc, CĐ trường phối hợp với Ban giám hiệu trường quan tâm xây dựng môi trường học đường thân thiện, tạo sự gắn bó, văn hóa chào hỏi, cách ăn mặc, tác phong của cả thầy và trò. Từ đó mỗi giáo viên và học sinh nhà trường đều cố gắng để biết cách cân bằng cảm xúc tạo mối quan hệ đồng chí, đồng nghiệp, mối quan hệ thầy, trò thân thiện, tích cực hơn, biết lan tỏa yêu thương đến những người xung quanh để tạo môi trường học đường thân thiện...
Linh Nguyên
(Nguồn: https://laodong.vn/cong-doan/de-thay-co-hai-long-trong-mo-hinh-truong-hoc-hanh-phuc-1421882.ldo)