MẠNH CƯỜNG
(Nguồn: https://laodong.vn/cong-doan/tranh-luan-voi-de-xuat-moi-nam-dong-thua-bhxh-duoc-huong-2-thang-luong-1237299.ldo)
Mới đây, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM đã tổ chức hội nghị góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi. Tại hội nghị, các cán bộ công đoàn đề xuất sau khi đạt mức hưởng tối đa 75% lương hưu, mỗi năm đóng thêm được quy đổi bằng 2 tháng lương thay vì 0,5 tháng như hiện tại. Đề xuất này được đại đa số người lao động đồng tình nhưng cho rằng vẫn chưa thiết thực với tất cả.
Chị Nguyễn Thị Mơ (36 tuổi) công nhân tại huyện Nam Trực, Nam Định cho biết, đề xuất này chỉ phù hợp với những lao động nữ còn 5 hoặc 7 năm nữa đóng đủ 30 năm. Hiện tại, chị Mơ đã đóng bảo hiểm xã hội được 9 năm, nếu đóng đủ 30 năm, chị phải làm thêm 21 năm nữa và đề xuất sẽ không còn ý nghĩa.
Nữ công nhân dự đoán đến khi đóng đủ 30 năm, mỗi năm tiếp theo sẽ được hưởng thêm ít nhất 4 triệu đồng nếu tính theo đề xuất 2 tháng lương. Số tiền này có vai trò hỗ trợ một phần sinh hoạt cho cuộc sống của chị khi về già. Nhưng nếu so sánh với số tiền đóng bảo hiểm hàng tháng, chị thấy thiệt thòi rất nhiều.
“Hiện tại, tôi đã đóng bảo hiểm xã hội ở mức lương gần 6 triệu đồng/tháng. 21 năm nữa đến khi đóng đủ 30 năm, lúc đó, mức lương đóng bảo hiểm có thể lên đến hơn 10 triệu đồng. Mỗi tháng, công nhân chúng tôi đóng hơn 1 triệu đồng (10,5%), đóng một năm hơn 12 triệu đồng mà hưởng lại 4 triệu đồng thì khá ít và thiệt thòi” - chị Mơ giải thích.
Đề xuất trên theo nữ công nhân chỉ phù hợp với những người sắp đóng đủ 30 hoặc 35 năm bảo hiểm xã hội trong vòng 5 - 7 năm tới. Chị Mơ cho rằng với những lao động hơn 20 năm nữa mới đóng đủ 30 hoặc 35 năm bảo hiểm xã hội thì mỗi năm thừa phải được hưởng ít nhất bằng 5 tháng lương.
Ngoài ra, chị Mơ cũng đề xuất trả lại số tiền đã đóng riêng của người lao động (10,5% lương đóng bảo hiểm xã hội) cho các năm đóng thừa. Hoặc không thì phải có chính sách giảm mức đóng khi đã đóng đủ 30 năm xuống dưới 5%, như thế sẽ thiết thực hơn.
Chị Mơ không quên nhấn mạnh: “Công nhân ít người làm được 30 năm trong nghề lắm, trừ khi chuyển bộ phận hoặc thăng chức làm công việc nhẹ nhàng hơn. Điều họ cần nhất vẫn là tuổi nghỉ hưu sớm”.
Đồng tình với quan điểm của chị Mơ, công nhân Nguyễn Thị Thu (27 tuổi, Bắc Ninh) chia sẻ: “Đề xuất này không phù hợp với những lao động mới đóng bảo hiểm dù vẫn còn trẻ như chúng tôi”.
Theo chị Thu, những lao động hiện tại đóng gần đủ 30 năm với nữ, 35 năm với nam phần lớn chỉ đóng bảo hiểm xã hội mức 400.000 đồng/tháng. Quy ra 12 tháng họ chỉ đóng 5 triệu đồng. Hưởng 2 tháng lương bình quân khoảng 3 triệu đồng trong khi vẫn được hưởng y tế, thất nghiệp là hoàn toàn hợp lý.
Hiện tại, chị Thu đã đóng bảo hiểm xã hội được 4 năm. Nữ công nhân dự tính đến khi đủ 30 năm tức 26 năm nữa, mức đóng bảo hiểm cũng đã tăng lên rất nhiều. “Đóng thừa nhưng không được tính vào lương hưu mà chỉ hưởng 2 tháng lương bình quân cũng chẳng thấm vào đâu” - chị Thu phân trần.
Vì thế, chị Thu đề xuất cần phải thay đổi mức hưởng theo thời gian. Tính toán làm sao cho cân đối, phù hợp với số tiền đóng bảo hiểm xã hội nếu rút ra hưởng một lần hoặc nên ngừng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Như vậy, người lao động sẽ an tâm hơn nếu muốn gắn bó lâu dài.
Theo Điều 58, Luật Bảo hiểm xã hội 2014, sau khi đã đóng đủ 30 năm bảo hiểm xã hội với nữ, 35 năm với nam, cứ mỗi năm đóng thừa sẽ được hưởng thêm 0,5 tháng lương. Công thức tính tháng lương hưởng bằng tổng số tiền lương đóng bảo hiểm xã hội chia cho số tháng tham gia. Đề xuất mới tăng từ 0,5 tháng lương lên 2 tháng lương.