TP.HCM vận động nguồn lực hỗ trợ lao động tự do không có tạm trú

Hiện TPHCM mới chỉ hỗ cho cho người lao động tự do có đăng ký tạm trú hợp pháp. Đối với người lao động tự do không có tạm trú thì TPHCM sẽ hỗ trợ từ các nguồn vận động hợp pháp của cơ sở.

 

Lao động tự do không có tạm trú ở TPHCM đến nay vẫn chưa được hỗ trợ.  Ảnh: Anh Tú

Lao động tự do không có tạm trú ở TPHCM đến nay vẫn chưa được hỗ trợ. Ảnh: Anh Tú

 

Ngày 29.7, ông Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) TPHCM đã ký văn bản khẩn gửi UBND các quận, huyện, Thành phố Thủ Đức rà soát, cập nhật lao động tự do gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nằm ngoài 6 nhóm đã nêu trong Nghị quyết 09 của HĐND TPHCM.

Trước đó, Sở đã yêu cầu các địa phương rà soát 10 nhóm lao động tự do là những bảo mẫu, thợ hồ, sửa xe, xe ôm công nghệ, bán báo dạo,...

Nay Sở LĐTBXH đề nghị các địa phương đề xuất cụ thể 5 nhóm lao động tự do hiện đang gặp khó khăn, cấp bách nhất để thành phố hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người.

 

Các nhóm lao động tự do còn lại sẽ do UBND quận, huyện, Thành phố Thủ Đức hỗ trợ từ các nguồn vận động hợp pháp, của cơ sở không thấp hơn 1 triệu đồng/người.

Các nhóm lao động trên muốn được hỗ trợ phải đáp ứng điều kiện cư trú hợp pháp tại địa phương (trường hợp tạm trú phải có đăng ký tạm trú được công an xác nhận).

Đối với lao động tự do chưa đăng ký tạm trú theo quy định, Sở LĐTBXH giao quận, huyện, Thành phố Thủ Đức rà soát, hỗ trợ từ nguồn vận động hợp pháp của cơ sở để chia sẻ khó khăn với người lao động.

Các quận, huyện, Thành phố Thủ Đức phải rà soát, thống kê lại và báo cáo về Sở LĐTBXH trước ngày 2.8 để tổng hợp, báo cáo UBND TPHCM xem xét, quyết định, làm căn cứ đề xuất, hỗ trợ.

Tính đến ngày 26.7, thực hiện Nghị quyết số 09 của HĐND TPHCM, có 298.133 người lao động tự do đã được nhận hỗ trợ với tổng kinh phí hơn 447 tỉ đồng, mỗi người nhận 1,5 triệu đồng.

 

Các nhóm lao động tự do được đề xuất hỗ trợ gồm:

1. Bảo mẫu, quét dọn, giúp việc gia đình thuê.

2. Bảo vệ, giữ xe, rửa xe thuê; sửa xe, vá xe nhỏ lẻ; bán báo dạo, đánh giày hoặc công việc có tính chất tương tự.

3. Bán hàng và trợ giúp bán hàng thuê (trong cửa hàng tại chợ, quầy hàng, điểm buôn bán nhỏ, tạp hóa).

4. Xử lý hạt giống để nhân giống (làm hạt giống…), đốn lá (lợp nhà…).

5. Đánh bắt thủy sản ven biển và nội địa – tự làm hoặc làm thuê tại các hộ kinh doanh khai thác, đánh bắt thủy sản (như bắt cá, cào nghêu, làm mồi câu, kéo lưới, đan lưới, đánh lưới…).

6. Thợ hồ (thợ nề), phụ hồ, thợ sơn, thợ mộc, thợ phụ - tự làm hoặc làm việc theo nhóm (mang tính riêng lẻ, độc lập), hoặc làm thuê tại các hộ kinh doanh xây dựng dân dụng.

7. Tài xế, phụ xe, lơ xe, tiếp viên, nhân viên làm thuê tại các hộ kinh doanh vận tải.

8. Xe ôm công nghệ.

9. Tự làm hoặc làm thuê tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực chế biến thực phẩm, may gia công, làm hàng thủ công, mỹ nghệ.

10. Nhóm công việc khác do UBND TP. Thủ Đức và quận, huyện đề xuất bổ sung.

 

Date : 31-07-2021
Tags:

Bài viết liên quan