Góp ý dự thảo luật, các cán bộ Công đoàn cho rằng để phát huy hiệu quả quyền dân chủ ở cơ sở, trước hết cần phải xây dựng quy chế thực hiện dân chủ của tổ chức, qua đó thiết lập cơ chế đối thoại và tạo điều kiện để Ban Thanh tra nhân dân thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của luật.

Bên cạnh đó, dự thảo luật cần quy định cụ thể các tiêu chí lựa chọn, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ tham gia vào Ban Thanh tra nhân dân, bổ sung vấn đề bảo vệ người lao động khi họ thực hiện quyền dân chủ (khiếu nại, tố cáo…) tại nơi làm việc, tránh trường hợp người lao động bị trù dập sau khi khiếu nại, tố cáo; các biện pháp chế tài khi người đứng đầu cơ quan, đơn vị hoặc chủ sử dụng lao động vi phạm luật thực hiện dân chủ ở cơ sở…

Phát huy quyền làm chủ của người lao động - Ảnh 1.

Đại biểu góp ý tại hội thảo góp ý kiến dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

 

Ghi nhận các ý kiến của đại biểu, ông Vũ Hồng Quang, Phó trưởng Ban Chính sách - Pháp luật Tổng LĐLĐ Việt Nam nhấn mạnh mức độ hoàn thiện của hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc là điều kiện quan trọng để tạo môi trường cho việc thực hiện quyền dân chủ của người lao động tại nơi làm việc. Khi luật bảo đảm tính đồng bộ, phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu khách quan của xã hội đồng nghĩa với quyền lợi, tiếng nói của người lao động được xem trọng, đồng thời bảo đảm tốt hơn quyền, lợi ích và việc kiểm tra, giám sát của người dân có hiệu quả.

 

Tin-ảnh: T.Nga

(Nguồn: https://nld.com.vn/cong-doan/phat-huy-quyen-lam-chu-cua-nguoi-lao-dong-20220824185436568.htm)