Hơn 10 năm kể từ khi Ban Bí thư Trung ương Đảng quyết định lấy tháng 5 hằng năm là Tháng Công nhân (2012), thời gian này đã trở thành cao điểm chăm lo cho đoàn viên, người lao động. Mỗi năm, các hoạt động Tháng Công nhân đều được đổi mới, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động. Gần đây, nhiều hoạt động được tổ chức không chỉ chăm lo mà còn để mỗi đoàn viên, người lao động thấy rõ trách nhiệm của mình, thực hiện công việc của mình theo đúng tinh thần ngày Quốc tế Lao động (1.5).
Đổi mới phương thức tuyên truyền
Với Kế hoạch tổ chức các hoạt động Tháng Công nhân năm 2024 và kỷ niệm 138 năm Ngày Quốc tế Lao động (1.5.1886 - 1.5.2024) được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành từ tháng 12.2023, các cấp Công đoàn đã chủ động xây dựng các hoạt động phù hợp với đơn vị. Do đó, chủ đề Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động năm 2024 “Tăng cường đảm bảo an toàn vệ sinh lao động tại nơi làm việc và chuỗi cung ứng” và chủ đề Tháng Công nhân năm 2024 “Đoàn kết công nhân - Triển khai Nghị quyết” được triển khai khá sớm, đem lại nhiều lợi ích cho đoàn viên, người lao động.
Đơn cử, như tại Hà Nội, bà Vũ Thu Hà - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu các đơn vị tổ chức nhiều hoạt động thiết thực hướng về người lao động trong Tháng hành động, Tháng Công nhân năm 2024, mà trước hết cần tập trung tổ chức các hoạt động chuyên đề về và hoạt động cộng đồng có sự tham gia của doanh nghiệp, người lao động. Tổ chức các hoạt động tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp cải thiện điều kiện lao động; tổ chức các hoạt động tập huấn cho người làm công tác tư vấn đặc biệt là nâng cao nghiệp vụ cho người làm công tác y tế, lực lượng cấp cứu.
Các đơn vị, doanh nghiệp cần tăng cường hoạt động đối thoại tại nơi làm việc, xây dựng quan hệ lao động hài hòa ổn định và tiến bộ, chăm lo đời sống việc làm, lương, thưởng, phúc lợi, điều kiện làm việc của người lao động cũng như tăng cường thực hiện thanh tra kiểm tra công tác , phòng chống cháy nổ tại các đơn vị, doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố cũng yêu cầu các cấp ngành, tổ chức Công đoàn cần quan tâm thăm hỏi, tặng quà các gia đình, nạn nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, kịp thời động viên, chia sẻ những mất mát và động viên các gia đình khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống, công việc; tổ chức gặp mặt đối thoại giữa người đứng đầu chính quyền với doanh nghiệp và cán bộ Công đoàn, công nhân viên chức lao động; tổ chức hoạt động “Cảm ơn người lao động”, diễn đàn “Công nhân vì doanh nghiệp - doanh nghiệp vì công nhân”.
Đối với các sở, ban, ngành, tổ chức Công đoàn cần tăng cường thực hiện thanh tra kiểm tra công tác, phòng chống cháy nổ tại các đơn vị, doanh nghiệp. Đối với các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh chủ động xây dựng, ban hành kế hoạch và tăng cường công tác phối hợp lồng ghép, cải thiện điều kiện lao động, chăm sóc sức khỏe, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân lao động; thực hiện tốt công tác tự kiểm tra về ATVSLĐ, phòng chống cháy nổ, chủ động và tăng cường các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong đánh giá, kiểm soát các nguy cơ rủi ro...
Trao đổi về các hoạt động vì an toàn, sức khỏe, vì quyền lợi công nhân lao động, góp phần phát triển doanh nghiệp bền vững, bà Lê Thu Hằng - Giám đốc Xí nghiệp xây lắp số 3 Hà Nội - Chi nhánh Tổng Công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội cho biết, cùng với việc nỗ lực nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, xí nghiệp luôn đặc biệt coi trọng công tác ATVSLĐ bằng các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, thiết thực. Vì vậy, trong nhiều năm qua tại xí nghiệp không để xảy ra các vụ việc mất ATVSLĐ, qua đó cán bộ công nhân viên và người lao động luôn vững vàng, yên tâm công tác xây dựng đơn vị.
Hưởng ứng Tháng Công nhân, Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2024, Xí nghiệp Xây lắp số 3 Hà Nội quyết tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn pháp luật về ATVSLĐ, phòng chống cháy nổ nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của người sử dụng lao động, người lao động để mọi người đều có ý thức thực hiện nghiêm các quy định về ATVSLĐ, phòng chống cháy nổ và phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; rà soát, hoàn thiện hồ sơ quản lý về công tác ATVSLĐ, phòng chống cháy nổ tại công ty. Đồng thời, tiếp tục duy trì và phát triển phong trào “Xanh - Sạch - Đẹp, đảm bảo ATVSLĐ”; tổ chức tập huấn, diễn tập các phương án chữa cháy, phương án cấp cứu tai nạn lao động và xử lý sự cố.
Thực hiện nghiêm túc chế độ định kỳ bảo dưỡng máy móc thiết bị và kiểm định các thiết bị có yêu cầu kỹ thuật nghiêm ngặt; rà soát, thay thế hoàn thiện hệ thống máy móc; không ngừng cải thiện điều kiện và môi trường làm việc tốt hơn, góp phần giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động vì mục tiêu con người và sự phát triển bền vững của công ty, địa phương.
Còn theo ông Nguyễn Hoàng Long - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Matsuo Industries Việt Nam với phương châm hành động xuyên suốt là tăng cường đảm bảo công tác ATVSLĐ nhằm tạo môi trường làm việc thân thiện, an toàn; chăm lo đời sống, việc làm và sức khỏe của người lao động.
Để các hoạt động hưởng ứng trước, trong và sau Tháng Công nhân, Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2024 đạt kết quả cao và có ý nghĩa thiết thực nhất, công ty đã, đang và sẽ thực hiện tốt các nội dung như ban chấp hành công đoàn phối hợp với công ty tổ chức các hoạt động tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của Tháng Công nhân, Tháng hành động về ATVSLĐ. Ban chấp hành công đoàn công ty xây dựng kế hoạch đào tạo, huấn luyện về ATVSLĐ; tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho công nhân lao động; tổ chức kiểm tra nội bộ về ATVSLĐ; rà soát lại các quy trình, quy phạm kỹ thuật ATVSLĐ cho các máy, thiết bị tại công ty.
Công ty tổ chức các buổi tập huấn, đào tạo để nâng cao kiến thức cho công nhân viên như lớp đào tạo về ATVSLĐ cho toàn bộ cán bộ quản lý, người lao động, đội ngũ cán bộ an toàn và đội ngũ an toàn vệ sinh viên; lớp học lái xe an toàn; lớp nâng cao tay nghề chuyên môn, lớp ngoại ngữ, tin học, quản lý.
Tổ chức các buổi diễn tập (ứng cứu tràn đổ hóa chất, phòng cháy, chữa cháy, xử lý các tình huống tai nạn rủi ro...) để nâng cao kỹ năng thực hành cho đoàn viên, người lao động; thường xuyên tổ chức đánh giá nội bộ (định kỳ và đột xuất) về công tác ATVSLĐ trong công ty; thường xuyên tiến hành rà soát, đánh giá môi trường làm việc, tiến hành cải thiện môi trường làm việc ở những khu vực chưa tốt hoặc thiếu an toàn...; tổ chức tổng kết, đánh giá và biểu dương khen thưởng xứng đáng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua để khích lệ tinh thần thi đua trong mỗi đoàn viên, người lao động.
Đặc biệt, như tại Nghệ An để phát động tổ chức, chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 138 năm Ngày Quốc tế Lao động, kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và hưởng ứng Tháng Công nhân năm 2024, sáng ngày 22.4, trước giờ làm việc, đông đảo các công đoàn cơ sở khối doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An tổ chức cho người lao động chào cờ, hát Quốc ca.
Hoạt động này do Liên đoàn Lao động tỉnh phát động tổ chức nhằm tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức, tinh thần dân tộc, tình yêu đất nước đối với công nhân lao động, đồng thời thắt chặt tình đoàn kết trong doanh nghiệp, động viên công nhân hăng say lao động sản xuất. Nhiều doanh nghiệp đã tổ chức chào cờ, hát Quốc ca tại chỗ trong các bộ phận sản xuất, nhiều doanh nghiệp tổ chức theo hình thức tập trung tạo thêm động lực cho công nhân lao động.
Khơi dậy trách nhiệm của công nhân, lao động
Những năm gần đây, các hoạt động được tổ chức trong Tháng Công nhân không chỉ thể hiện sự chăm lo cho đoàn viên, người lao động mà còn khơi dậy trách nhiệm của công nhân lao động.
Năm 2024, chương trình tiếp xúc cử tri chuyên đề giữa Đại biểu Quốc hội với CNLĐ năm 2024 được coi là hoạt động trọng tâm của Tháng Công nhân. Đây là hoạt động tạo diễn đàn để đại biểu Quốc hội tiếp xúc, lắng nghe, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất của cử tri là công nhân, lao động về việc làm, thu nhập, đời sống, cũng như hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật; để đại biểu Quốc hội tổng hợp và phản ánh ý kiến với Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan; đồng thời góp phần xây dựng chính sách, pháp luật đảm bảo khả thi, sát thực tế. Qua đó, khẳng định sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, ban, bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương và tổ chức Công đoàn đối với công nhân, lao động.
Nhưng một điểm đặc biệt là chương trình sẽ góp phần tăng cường dân chủ ở cơ sở; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của công nhân, lao động trong tham gia xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Tổng LĐLĐVN hướng dẫn cụ thể 3 nội dung chính được tập trung trong Chương trình tiếp xúc cử tri. Đó là phản ánh thực tiễn thi hành, nêu ý kiến góp ý đối với các dự án luật liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của người lao động được Quốc hội xem xét, cho ý kiến (hoặc thông qua) trong năm 2024, trọng tâm là Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Công đoàn (sửa đổi).
Vấn đề tạo việc làm, duy trì việc làm bền vững, nâng cao thu nhập và đời sống của người lao động; các giải pháp phát triển nhà ở, nơi vui chơi, giải trí, trường học cho con của công nhân, lao động; vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần và tình trạng “tín dụng đen” trong công nhân... Bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, đề xuất các ý tưởng, giải pháp và khẳng định quyết tâm vượt mọi khó khăn, góp phần phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Với diễn đàn này, tổ chức Công đoàn mong muốn công nhân lao động nói lên suy nghĩ của mình, qua đó mỗi người thấy rõ trách nhiệm của bản thân đối với đơn vị, đối với xã hội. Điều này cũng sẽ tạo thói quen tư duy trách nhiệm cá nhân trong cuộc sống, trong sự phát triển chứ không chỉ thụ động.
Các LĐLĐ tỉnh, thành phố, các công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn báo cáo, đề xuất với lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội; phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố để thống nhất tiếp xúc cử tri chuyên đề giữa đại biểu Quốc hội với công nhân, lao động. Lựa chọn, mời công nhân, lao động dự chương trình; chuẩn bị nội dung và lựa chọn cán bộ công đoàn cơ sở, công nhân có khả năng giao tiếp tốt, tự tin tham gia phát biểu phản ánh thực tế đời sống, việc làm, các kiến nghị sửa đổi luật để thông tin, trao đổi với đại biểu Quốc hội.
Có thể thấy rõ, mỗi hoạt động của Tháng Công nhân, ở cấp từ cơ sở đều mang đậm tinh thần Ngày Quốc tế Lao động (1.5) thông qua việc phát động các phong trào thi đua sâu, rộng trong đoàn viên, người lao động cũng như việc chăm lo, đem lại nhiều lợi quyền cho họ vì đáp ứng đúng, kịp thời nhu cầu của những người đang ngày đêm trực tiếp làm ra của cải, vật chất cho xã hội.
https://laodong.vn/cong-doan/thang-cong-nhan-khoi-day-tinh-than-trach-nhiem-1332384.ldo
LINH NGUYÊN (BÁO LAO ĐỘNG)
(Nguồn: http://congdoan.vn/tin-tuc/hoat-dong-cong-doan-3569/thang-cong-nhan-khoi-day-tinh-than-trach-nhiem-861746.tld)