91 NĂM CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM: Dấu ấn lớn lao đồng hành cùng sự phát triển đất nước

Năm 2020 - Kỷ niệm 75 năm Ngày Cách mạng tháng Tám thành công (1945-2020), đất nước ta đã trải qua bao chặng đường lịch sử, vượt qua bao cuộc chiến tranh, từ nước nghèo đói ngày nay đã trở thành nước có thu nhập trung bình, đời sống người dân không ngừng được cải thiện, nhiều thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Trong suốt chặng đường lịch sử đó, cách mạng Việt Nam luôn có sự đồng hành của tổ chức Công đoàn.

Ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ảnh: Vương Đông

Ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ảnh: Vương Đông

Ông Nguyễn Túc - Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - khẳng định, suốt chặng đường xây dựng và phát triển, tổ chức Công đoàn Việt Nam đã để lại nhiều dấu ấn to lớn, có vai trò nòng cốt trong tiến trình cách mạng.

Thưa ông, 91 năm xây dựng và phát triển, ông có thể điểm lại những dấu ấn của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như thời kỳ đổi mới?

- Có thể khẳng định, trong mọi thời kỳ cách mạng, từ quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc hay thời kỳ đổi mới, tổ chức Công đoàn luôn thể hiện được vị trí quan trọng, có ảnh hưởng to lớn tới giai cấp công nhân, người lao động. Tổ chức Công đoàn và giai cấp công nhân Việt Nam trước đây tuy còn nhỏ bé nhưng đã có những đóng góp rất quan trọng vào cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này tới thắng lợi khác. Trước Cách mạng tháng Tám, Tổng khởi nghĩa năm 1945, 9 năm kháng chiến chống Pháp, hơn 20 năm đấu tranh chống Mỹ và hơn 30 năm đổi mới (mặc dù các nước CNXH ở Liên Xô và Đông Âu bị sụp đổ) nhưng cách mạng Việt Nam vẫn vững vàng, phát triển, trong đó có vai trò không nhỏ của tổ chức Công đoàn. 

Trước khi giành chính quyền, nhiều phong trào đấu tranh của công nhân lao động đã được tổ chức, từng bước được nâng cao, đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Đảng được thành công. Dưới sự lãnh đạo của tổ chức Công đoàn, các công binh xưởng, các nhà máy, đội ngũ công nhân lao động đã sản xuất ra nhiều sản phẩm đáp ứng yêu cầu của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Khi hoà bình lặp lại, Công đoàn là trường học quản lý, trường học xã hội chủ nghĩa. 

Vai trò của tổ chức Công đoàn là cực kỳ quan trọng. Trước tiên phải khẳng định, Công đoàn là tổ chức đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của công nhân viên chức lao động. Công đoàn tham gia quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế, xã hội, tham gia kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế…

Công đoàn cũng có vai trò to lớn trong việc giáo dục, động viên công nhân viên chức lao động phát huy quyền làm chủ đất nước; thực hiện nghĩa vụ công dân, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Một điểm nổi bật khác đó là, tổ chức Công đoàn Việt Nam có vai trò quan trọng, nòng cốt trong sự nghiệp xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.

Ông có đánh giá như thế nào vai trò của tổ chức Công đoàn trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của công nhân viên chức, lao động?

- Qua mọi thời kỳ, từ khi đất nước giành được độc lập đến thời kỳ đổi mới, chức năng nhiệm vụ đầu tiên của tổ chức Công đoàn đó là đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức, người lao động. Đây là nhiệm vụ thường xuyên, xuyên suốt trong lịch sử 91 năm qua. Đó là sứ mệnh của tổ chức Công đoàn. Công đoàn ra đời, tồn tại, phát triển để bảo vệ quyền lợi của công nhân viên chức và người lao động. 

Từ đó, Công đoàn từng bước nâng cao hoạt động, chú trọng những nhiệm vụ cụ thể như động viên công nhân viên chức lao động hăng hái tham gia lao động sản xuất, phát huy tinh thần sáng tạo, thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của Đảng; đấu tranh chống tiêu cực; bảo vệ sự trong sạch và tính hiệu quả của bộ máy Nhà nước; bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người công nhân viên chức và người lao động.

Công đoàn tham gia với các cơ quan Nhà nước xây dựng pháp luật, chính sách, chế độ về lao động, tiền lương, bảo hiểm lao động và các chính sách xã hội khác có liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ, lợi ích của người lao động. Đại hội Công đoàn lần thứ XII đề ra khẩu hiệu: “Đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn; tập trung đại diện, chăm lo bảo vệ đoàn viên, người lao động; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh; góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Trong bối cảnh hiện nay, bối cảnh chúng ta đang thực hiện nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, định hướng xã hội chủ nghĩa và nền kinh tế hội nhập quốc tế thì vai trò của tổ chức Công đoàn ngày càng trở nên quan trọng. Hiện nay, lực lượng lao động và các thành phần kinh tế ngày càng đa dạng, phong phú. Do đó, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn trong bảo vệ quyền, lợi ích của công nhân, viên chức, người lao động ngày càng nặng nề. Điều này được đặt trong bối cảnh mối quan hệ phức tạp giữa chủ sử dụng lao động và người lao động. Đặc biệt, ngày càng có nhiều đơn vị kinh tế, đơn vị có sử dụng lao động ngoài quốc doanh, doanh nghiệp FDI…

Tổ chức Công đoàn để tạo được sự đoàn kết, thống nhất, đồng thuận giữa người lao động và chủ sử dụng lao động cũng không hề đơn giản. Điều đó đòi hỏi cán bộ Công đoàn vừa phải có kiến thức, kỹ năng và cả nghệ thuật.

Như ông vừa phân tích, vậy trong tình hình mới, tổ chức Công đoàn cần phải có sự đổi mới trong hoạt động như thế nào, thưa ông?

- Trong tình hình mới, đất nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng và tham gia nhiều hiệp định thương mại của khu vực và quốc tế, bên những thuận lợi tạo điều kiện cho kinh tế phát triển thì cũng nảy sinh không ít thách thức. Do đó, tổ chức Công đoàn cần phải hiểu đúng, hiểu rõ việc cần làm để thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Đảng.

Trước hết, quan hệ của Đảng với giai cấp công nhân thông qua tổ chức Công đoàn vẫn phải được coi trọng. Công đoàn vững mạnh, giai cấp công nhân vững mạnh thì khối đại đoàn kết toàn dân tộc và Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ ngày càng vững mạnh.

Dù chúng ta gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) thì cũng không thể có lực lượng nào tranh được vị thế, uy tín của tổ chức Công đoàn Việt Nam. Đó là điều cần hiểu về mối quan hệ Đảng - giai cấp công nhân - tổ chức Công đoàn.

Lúc này, việc tham gia quản lý nhà nước của Công đoàn trong các cơ sở kinh tế, các cấp chính quyền càng cần phải được coi trọng. Công đoàn phải tích cực góp phần chống tham nhũng, quan liêu; tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và khóa XII của Đảng.

 

https://laodong.vn/cong-doan/dau-an-lon-lao-dong-hanh-cung-su-phat-trien-dat-nuoc-827953.ldo

 

Date : 18-08-2020
Tags:

Bài viết liên quan