Ra mắt Hội đồng tư vấn chính sách – pháp luật của Tổng LĐLĐ Việt Nam

Chiều 12.3, Tổng LĐLĐVN công bố quyết định và ra mắt Hội đồng tư vấn chính sách – pháp luật. Hội đồng gồm 19 thành viên là các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực có liên quan. Đồng chí Bùi Văn Cường, uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch TLĐ làm Chủ tịch Hội đồng.

Phát biểu tại Lễ ra mắt, Chủ tịch TLĐ Bùi Văn Cường nhấn mạnh, giai cấp công nhân và lực lượng lao động trong xã hội phát triển vượt bậc, quan hệ lao động ngày càng đa dạng, có mặt phức tạp, đã và đang đặtra rất nhiều yêu cầu mới cho tổ chức Công đoàn. Đặc biệt, Việt Nam đã là thành viên của Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP),tương lai không xa sẽ xuất hiện nhiều tổ chức đại diện người lao động, cạnh tranh trực tiếp với tổ chức Công đoàn Việt Nam. Nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng của đoàn viên, người lao động càng trở nên quan trọng và yêu cầu thực chất hơn. Trước thách thức và cơ hội đó, Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam đã xác định một trong ba khâu đột phá là: “Đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động; chăm lo lợi ích đoàn viên, đại diện, bảo vệ người lao động”, trong đó, tham gia xây dựng chính sách, pháp luật có vai trò như một biện pháp bảo vệ người lao động từ xa và trên diện rộng. Ngay trong giai đoạn xây dựng chính sách, pháp luật có liên quan đến người lao động, cần phải có tiếng nói mạnh mẽ và được soi chiếu dưới góc nhìn và lợi ích của người lao động, thông qua vai trò của tổ chức đại diện là Công đoàn Lao động Việt Nam.

Hội đồng tư vấn chính sách – pháp luật của Tổng LĐLĐVN hoạt động không chuyên trách của Tổng LĐLĐVN có chức năng tư vấn giúp Đoàn Chủ tịch TLĐ những nội dung có liên quan đến việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung, phản biện các chế độ, chính sách, pháp luật liên quan đến lĩnh vực lao động, CĐ và các quy định nội bộ của tổ chức CĐ. Trong đó tập trung: Nghiên cứu, phản biện, đề xuất ý kiến các dự thảo ban hành, sửa đổi, bổ sung các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan trực tiếp đến quyền lợi ích của đoàn viên công đoàn, người lao động.Nghiên cứu, phản biện, đề xuất ý kiến đối với các dự thảo văn bản ban hành sửa đổi, bổ sung quy định của tổ chức Công đoàn.Nghiên cứu, đề xuất ý kiến về các nội dung và phương thức hoạt động liên quan đến công tác pháp luật của tổ chức Công đoàn.

Việc thành lập Hội đồng tư vấn chính sách – pháp luật là một trong những giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, nâng cao chất lượng công tác tham gia xây dựng chính sách - pháp luật của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Ở cấp Tổng Liên đoàn là Hội đồng tư vấn chính sách – pháp luật; ở cấp tỉnh và công đoàn trực thuộc sẽ là mạng lưới cộng tác viên chính sách – pháp luật.

“Năm 2019 và giai đoạn phía trước sẽ còn nhiều nhiệm vụ khó khăn và mới mẻ, trong đó, năm 2019, Tổng Liên đoàn sẽ tập trung vào nhiệm vụ tham gia xây dựng Bộ luật Lao động (sửa đổi) và chủ trì dự án sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn. Để phát huy tốt vai trò của Hội đồng, tôi rất mong các đồng chí sẽ bố trí thời gian phù hợp để tham gia có trách nhiệm và đóng góp những ý kiến quý báu, góp phần nâng cao chất lượng công tác xây dựng chính sách pháp luật của Tổng Liên đoàn. Với tâm huyết dành cho tổ chức Công đoàn, tôi mong rằng các đồng chí sẽ đứng trên quan điểm của người lao động, bảo vệ người lao động, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa ổn định, tiến bộ như yêu cầu của Đảng đặt ra”- Chủ tịch TLĐ Bùi Văn Cường bày tỏ.

Ngay sau Lễ ra mắt, Hội đồng tư vấn chính sách – pháp luật của Tổng LĐLĐVN đã họp phiên đầu tiên cho ý kiến sửa đổi Bộ luật Lao động và Luật Công đoàn dự kiến sẽ trình Quốc hội trong kì họp tới.

 

(Nguồn: http://www.congdoan.vn/tin-tuc/chinh-sach-phap-luat-quan-he-lao-dong-509/ra-mat-hoi-dong-tu-van-chinh-sach-%E2%80%93-phap-luat-cua-tong-ldldvn-409859.tld)

Date : 21-03-2019
Tags:

Bài viết liên quan