Quốc hội thông qua Nghị quyết đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh

Chiều 24-6, các đại biểu Quốc hội đã bấm nút thông qua Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM).

Theo dự thảo Nghị quyết quy định 2 nhóm chính gồm: Nhóm các chính sách đã được quy định tại Nghị quyết 54 và các nghị quyết cơ chế đặc thù đã được áp dụng các địa phương khác hoặc đang quy định tại các dự thảo luật trình Quốc hội.

Nhóm các chính sách mới lần đầu tiên được quy định tại dự thảo nghị quyết với 4 nhóm vấn đề gồm: đầu tư; tài chính - ngân sách; quản lý đất đai, quy hoạch; tổ chức bộ máy TPHCM và TP Thủ Đức.

Thí điểm mô hình phát triển đô thị TOD

Trong đó, về thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD), HĐND TPHCM quyết định sử dụng ngân sách địa phương để triển khai dự án đầu tư công độc lập nhằm thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án đầu tư.

Đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua nghị quyết. Ảnh: QUANG PHÚC

Đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua nghị quyết. Ảnh: QUANG PHÚC

Thành phố thu hồi đất, chỉnh trang, phát triển đô thị, thực hiện tái định cư, tạo quỹ đất để đấu giá lựa chọn nhà đầu tư các dự án đầu tư phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ theo quy định của pháp luật. UBND TPHCM tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất.

Về các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (sau đây gọi là dự án PPP), TPHCM được áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công tư đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao và văn hóa. Quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP trong lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, thể thao và văn hóa do HĐND quy định.

Đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Ảnh: QUANG PHÚC

Đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Ảnh: QUANG PHÚC

Cùng với đó, TPHCM được áp dụng loại hợp đồng BOT đối với dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu, phù hợp theo quy hoạch được phê duyệt đối với loại đường phố chính đô thị, đường trên cao. HĐND TPHCM ban hành danh mục dự án quy định tại khoản này. UBND TPHCM thực hiện công khai, minh bạch đầy đủ các thông tin về dự án để thuận lợi cho người dân giám sát.

TPHCM cũng được áp dụng loại hợp đồng BT. Đối với dự án áp dụng loại hợp đồng BT được ký kết theo quy định của pháp luật tại thời điểm ký kết hợp đồng BT trước ngày Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư có hiệu lực thi hành mà chưa hoàn thành việc thanh toán cho nhà đầu tư thì việc sử dụng quỹ đất do Nhà nước quản lý thuộc trường hợp sắp xếp lại, xử lý tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư.

Đầu tư phát triển hạ tầng

Về cơ chế, chính sách liên quan đến tài chính, ngân sách nhà nước, trong đó, ngân sách TPHCM được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí quy định tại điểm a khoản này để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và các nhiệm vụ chi khác thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Thành phố.

TPHCM thực hiện cơ chế tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo quy định. Trong đó, HĐND TPHCM được quyết định sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư của ngân sách Thành phố, cho phép ngân sách cấp dưới sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách và chi thu nhập tăng thêm.

Kết quả các đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Ảnh: VĂN MINH

Kết quả các đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Ảnh: VĂN MINH

Đồng thời, quyết định việc sử dụng ngân sách Thành phố để thực hiện dự án, công trình giao thông đường bộ có tính chất vùng, liên vùng nằm trên ranh giới, địa giới hành chính giữa Thành phố và địa phương khác, các dự án quốc lộ, cao tốc đi qua địa bàn Thành phố; hỗ trợ địa phương khác trong nước, hỗ trợ địa phương tại quốc gia khác trong trường hợp cần thiết.

Đại biểu Quốc hội vỗ tay ngay sau khi bấm nút thông qua Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Ảnh: QUANG PHÚC

Đại biểu Quốc hội vỗ tay ngay sau khi bấm nút thông qua Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Ảnh: QUANG PHÚC

Đối với dự án sử dụng đất trồng lúa vào các mục đích khác, HĐND TPHCM quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500ha phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định. Trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500ha do HĐND TPHCM quy định.

Đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, UBND TPHCM phê duyệt quy hoạch, bố trí quỹ đất nhà ở xã hội trong phạm vi dự án nhà ở thương mại hoặc phê duyệt quy hoạch, bố trí quỹ đất nhà ở xã hội ở vị trí khác ngoài phạm vi dự án nhà ở thương mại đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hội trên địa bàn.

Công ty đầu tư tài chính nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh (HFIC) là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 100% vốn nhà nước thực hiện chức năng Quỹ đầu tư phát triển địa phương. Trên cơ sở đề nghị của UBND TPHCM, HĐND TPHCM được bố trí vốn đầu tư công từ ngân sách Thành phố để hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được HFIC cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố theo đối tượng, điều kiện, trình tự, thủ tục do HĐND TPHCM quy định.

Bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất, việc bồi thường về đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. TPHCM xem xét hỗ trợ cho người có đất bị thu hồi, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất để tạo điều kiện cho người có đất bị thu hồi, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất có việc làm, thu nhập, ổn định đời sống, sản xuất, kinh doanh.

Việc hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong các lĩnh vực ưu tiên của Thành phố được quy định, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời hạn 5 năm từ thời điểm phát sinh thuế thu nhập phải nộp đối với thu nhập từ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức khoa học và công nghệ, Trung tâm Đổi mới sáng tạo và các tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát sinh trên địa bàn Thành phố.

Miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp của các cá nhân, tổ chức có khoản thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp, quyền góp vốn vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn Thành phố.

Về tổ chức bộ máy chính quyền, theo dự thảo nghị quyết, HĐND TPHCM thành lập Sở An toàn thực phẩm là cơ quan chuyên môn thuộc UBND TPHCM.

Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Sở An toàn thực phẩm trên cơ sở chuyển chức năng quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, việc cấp giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật ra khỏi địa bàn Thành phố từ Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương cho Sở An toàn thực phẩm.

UBND huyện thuộc TPHCM có không quá 3 Phó Chủ tịch. Đối với phường, xã, thị trấn có quy mô dân số từ 50.000 người trở lên thì UBND phường, xã, thị trấn có không quá 3 Phó Chủ tịch.

HĐND TP Thủ Đức quyết định thành lập Ban Đô thị thuộc HĐND TP Thủ Đức. HĐND TP Thủ Đức có không quá 2 Phó Chủ tịch và có không quá 8 đại biểu hoạt động chuyên trách. UBND TP Thủ Đức có không quá 4 Phó Chủ tịch.

Trước đó, Quốc hội nghe báo cáo tiếp thu, giải trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, hầu hết ý kiến đại biểu Quốc hội nhất trí về sự cần thiết ban hành và thông qua Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho biết, Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1-8-2023. Đồng thời, Nghị quyết nêu rõ, sơ kết 3 năm việc thực hiện và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2026. Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2028.

Trường hợp có quy định khác nhau về cùng một vấn đề giữa Nghị quyết này với luật, nghị quyết khác của Quốc hội thì áp dụng quy định của Nghị quyết này. Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật khác có quy định cơ chế, chính sách ưu đãi hoặc thuận lợi hơn Nghị quyết này thì đối tượng được ưu đãi được lựa chọn áp dụng mức ưu đãi có lợi nhất.

Việc ban hành Nghị quyết nhằm thể chế hóa Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị, thực hiện Nghị quyết 76 của Quốc hội. Qua đó, góp phần hoàn thiện thể chế, tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách, tạo tiền đề phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá về phát triển kinh tế - xã hội nhằm xây dựng TPHCM văn minh, hiện đại, với vai trò là đô thị đặc biệt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp, hiện đại hóa, đóng góp ngày càng lớn cho khu vực và cả nước.

Các chính sách nêu trong dự thảo nghị quyết khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực, bảo đảm tính kế thừa Nghị quyết 54 của Quốc hội. Cùng với đó, tích hợp một số chính sách mới tương đồng chính sách đặc thù của các tỉnh, thành phố đã được Quốc hội cho phép áp dụng.

Nguồn : VĂN MINH/SGGP; Trung tâm Báo chí TPHCM

(https://www.congdoantphochiminh.org.vn/#/portal/post-detail?title=Quoc-hoi-thong-qua-Nghi-quyet-dac-thu-phat-trien-Thanh-pho-Ho-Chi-Minh)

Date : 26-06-2023
Tags:

Bài viết liên quan