Từ ngày 1.7.2022, Nghị định 38/2022/NĐ-CP (quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động) chính thức có hiệu lực. Theo Nghị định này, lần đầu tiên lương tối thiểu giờ được ấn định trong thực tế.
Chủ sử dụng lao động nói gì?
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định này, mức lương tối thiểu vùng từ ngày 1.7.2022 được chia thành mức lương tối thiểu theo tháng và mức lương tối thiểu theo giờ, quy định cho theo 4 vùng.
Về mức lương tối thiểu theo tháng: Vùng I: 4.680.000 đồng/tháng; vùng II: 4.160.000 đồng/tháng; vùng III: 3.640.000 đồng/tháng; vùng IV: 3.250.000 đồng/tháng. Mức lương tối thiểu nêu trên tăng từ 180.000 đồng - 260.000 đồng (bình quân 6%) so với mức lương tối thiểu hiện hành).
Về mức lương tối thiểu theo giờ: Vùng I: 22.500 đồng/giờ; vùng II: 20.000 đồng/giờ; vùng III: 17.500 đồng/giờ; vùng IV: 15.600 đồng/giờ.
Trước thông tin về việc lần đầu tiên lương tối thiểu vùng theo giờ được áp dụng, anh N.T.S - quản lý một cửa hàng cà phê tại phường Linh Đàm (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, đa phần nhân sự của cửa hàng anh không có hợp đồng lao động bằng văn bản.
Nhân viên phục vụ được trả mức lương từ 17.000 - 18.000 đồng/giờ, nhân viên pha chế được trả mức lương từ 20.000 - 25.000 đồng/giờ, tùy theo năng lực.
Sau khi biết tin Chính phủ yêu cầu tăng lương tối thiểu theo giờ cao nhất là 22.500 đồng/giờ áp dụng với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn vùng I, anh S. cho biết, việc này rất khó thực hiện. “Mức lương chúng tôi trả cho nhân viên đã được cả 2 bên thỏa thuận trước khi họ vào làm. Công việc phục vụ khách hàng không đòi hỏi quá cao, cũng không quá vất vả. Nếu trả hơn mức lương hiện tại thì không hợp lý và cũng khó cho chúng tôi” - anh S. thông tin.
Cũng theo quản lý này, việc áp dụng mức lương tối thiểu với điều kiện là phải có hợp đồng lao động. Trong khi cửa hàng anh đều không ký hợp đồng cho nhân viên.
“Đối với nhân viên phục vụ, chúng tôi không đòi hỏi họ phải gắn bó quá lâu. Có người chỉ làm được 1-2 tháng, cũng có người vừa làm được khoảng 1-2 tuần đã nghỉ. Việc ký hợp đồng sẽ làm mất thời gian cả 2 bên”, anh S. chia sẻ.
Còn đối với cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống của anh Nguyễn Trần Nam Khánh, mức lương của các nhân viên tại đây đều được trả cao hơn mức lương tối thiểu mới được quy định. Nhân viên phục vụ đã có mức lương thấp nhất cửa hàng là 23.000 đồng/giờ.
Theo anh Khánh, mức lương này được trả tương xứng với vị trí làm việc, tính chất công việc.
“Quy định mới này cũng chỉ nhằm để đảm bảo quyền lợi của người lao động. Nhà hàng chúng tôi sẽ tiếp tục tăng lương đối với nhân viên làm tốt, gắn bó lâu dài với nhà hàng” - anh Khánh bày tỏ.
Mức xử phạt là bao nhiêu nếu vi phạm?
Khoản 3 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, mức phạt tiền đối với người sử dụng lao động khi có hành vi trả lương cho người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu được quy định như sau: Từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với vi phạm từ 1 người đến 10 người lao động; từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động; từ 50 triệu đồng đến 75 triệu đồng đối với vi phạm từ 51 người lao động trở lên.
Mức phạt tiền đối với hành vi trả lương thấp hơn mức lương tối thiểu nêu trên áp dụng đối với cá nhân. Mức phạt đối với tổ chức vi phạm gấp 2 lần mức phạt đối với cá nhân (Khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP ).
Như vậy, theo quy định nêu trên, cá nhân sử dụng lao động trả lương thấp hơn mức tối thiểu vùng có thể bị phạt đối đa đến 75 triệu đồng. Trong trường hợp người trả lương là tổ chức, doanh nghiệp, mức phạt tối đa có thể lên đến 150 triệu đồng.
Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc người sử dụng lao động trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt.
LƯƠNG HẠNH (BÁO LAO ĐỘNG)
(Nguồn: http://www.congdoan.vn/tin-tuc/quan-he-lao-dong-505/luong-toi-thieu-theo-gio-chinh-thuc-ap-dung-tu-17-trien-khai-nhu-the-nao-687899.tld)