Đó là ý kiến chung của những đoàn viên, người lao động, cán bộ công đoàn trực tiếp tham gia Diễn đàn Người lao động năm 2023 với chủ đề “Hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức Công đoàn” diễn ra chiều 28.7 tại Hội trường Diên Hồng, Tòa nhà Quốc hội.
Quà để mua thuốc chữa bệnh cho con
Làm công nhân ngành vệ sinh môi trường 7 năm, hiện chị Nguyễn Thị Thanh Hường (sinh năm 1979) đang làm Tổ môi trường số 6 (Công ty Môi trường Đô thị Hà Nội), thực hiện thu gom rác trên địa bàn 2 phường Thành Công, Giảng Võ. Chị là mẹ đơn thân, chăm sóc con trai bị ung thư máu…
Chị Hường là một trong 30 đoàn viên, NLĐ dự Diễn đàn Người lao động năm 2023 (Diễn đàn), nhận quà trực tiếp từ Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định. Chị chia sẻ: “Khi công đoàn công ty báo tin tôi sẽ được dự Diễn đàn và nhận quà của lãnh đạo Quốc hội, tôi rất phấn khởi, cũng rất bồi hồi, lo lắng…”.
Chị Hường bật mí: “Món quà này tôi sẽ dành để mua thuốc chữa bệnh, đóng học phí cho con, sắp tới con sẽ quay trở lại đi học lớp 4, sau nhiều năm chữa bệnh”.
Tham gia và trực tiếp nêu ý kiến của mình tại Diễn đàn, ông Lại Hoàng Dũng - Ủy viên Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam (Bắc Ninh) bày tỏ: “Tại Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội đã lắng nghe hết sức nghiêm túc, trả lời sát ý kiến của cán bộ, đoàn viên, NLĐ, trên tinh thần của người lãnh đạo thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của NLĐ. Chủ tịch Quốc hội cũng đã yêu cầu lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Quốc hội và ban, bộ, ngành Trung ương trực tiếp giải đáp các câu hỏi chính đáng của NLĐ… Tôi thấy rất phấn khởi, thỏa đáng. Tôi kỳ vọng, Diễn đàn sẽ được tiến hành thường xuyên, để công nhân lao động có thêm nhiều cơ hội trải lòng, Quốc hội, Nhà nước tiếp thu và có các quyết sách nhằm nâng cao đời sống, tinh thần, thu nhập của đoàn viên, NLĐ nhiều hơn”.
Động lực để người lao động tiếp tục thi đua
Là NLĐ xuất sắc, có sáng kiến làm lợi 21 tỉ đồng/năm cho công ty, anh Nguyễn Duy Quân (SN 1990) - Công ty TNHH Canon Việt Nam vui mừng, tự hào khi dự Diễn đàn.
Kết thúc diễn đàn, bà Lê Thị Kim Điệp - Chủ tịch LĐLĐ quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) - bày tỏ, đội ngũ cán bộ công đoàn mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, Quốc hội để có nhiều chính sách sát hơn nữa cho NLĐ, đoàn viên và cán bộ công đoàn. Theo bà Điệp, hiện nay, số lượng cán bộ chuyên trách công đoàn cấp huyện, thành phố chưa nhiều. Nếu số lượng biên chế cán bộ công đoàn nhiều hơn, sẽ sát sao hơn với NLĐ, công tác công đoàn càng hiệu quả hơn.
Những phát biểu đáng chú ý tại Diễn đàn Người lao động năm 2023
* Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Các ý kiến của đoàn viên, NLĐ đã phản ánh đúng thực tiễn tình hình đời sống, việc làm, tâm tư, tình cảm, mối quan tâm của đoàn viên, người lao động cả nước và những bất cập trong quá trình thực thi chính sách, pháp luật khiến đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động còn băn khoăn, bức xúc. Qua phản ánh cho thấy, từ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đời sống của công nhân, viên chức, lao động đã được cải thiện đáng kể, nhưng trên thực tế, một bộ phận đoàn viên, người lao động vẫn còn nhiều khó khăn. Về cơ bản, hệ thống pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức Công đoàn đã không ngừng được hoàn thiện, song vẫn còn không ít các quy định mâu thuẫn, chồng chéo, chưa sát thực tiễn. Việc thực thi pháp luật ở một số nơi chưa nghiêm, còn xảy ra vi phạm.
* Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Đình Khang: Những lời động viên, chia sẻ và tiếp thu của lãnh đạo Quốc hội và lãnh đạo các ban, bộ, ngành là động lực để đoàn viên, người lao động cả nước hăng say lao động sản xuất và cống hiến; là định hướng quan trọng để Công đoàn Việt Nam tiếp tục chăm lo, xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và xây dựng tổ chức Công đoàn Việt Nam vững mạnh theo tinh thần Nghị quyết số 02 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”.
* Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn: Bộ đang tham mưu Chính phủ thực hiện một số chính sách, như đẩy mạnh kiên cố hóa trường học, trong đó ưu tiên xây nhà công vụ cho giáo viên ở điểm trường, vùng khó khăn; phối hợp với Bộ Nội vụ kiến nghị xem xét nâng phụ cấp ưu đãi với giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học. 2 bộ bước đầu thống nhất và đang làm việc với các bộ, ngành khác để sớm triển khai trong thời gian tới. Cùng với đó, bộ cũng đang phối hợp với Bộ LĐTBXH xem xét đưa đối tượng giáo viên mầm non là ngành nghề nặng nhọc, độc hại. Ngoài ra, bộ đang chủ trì xây dựng Luật Nhà giáo, trong đó lưu ý các chính sách đối với nhà giáo vùng sâu, vùng xa, khó khăn để động viên đối tượng này.
* Bà Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội: Bộ luật Lao động hiện hành đã có quy định đối thoại tại nơi làm việc, trong đó người sử dụng lao động và đại diện người lao động (Công đoàn) tổ chức đối thoại về những nội dung 2 bên quan tâm. Trong đó, bữa ăn ca là nội dung cần thiết trong đối thoại tại nơi làm việc. Bên cạnh đó, khi thương lượng tập thể giữa người sử dụng lao động và công đoàn cũng có nội dung này. Đối với đề xuất bổ sung quy định bữa ăn ca vào Bộ luật Lao động, Ủy ban Xã hội của Quốc hội sẽ nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình sau này khi xem xét sửa đổi các quy định các liên quan. Sửa đổi luật phải đánh giá tình hình thực tiễn. Thực tiễn sinh động của công đoàn sẽ là nguồn quan trọng giúp cơ quan soạn thảo, giám sát hoàn thiện về quy định này trong tương lai.
* Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung: Việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội lần này tập trung chỉnh sửa, điều chỉnh những vấn đề bất cập, mở theo hướng phát triển bảo hiểm xã hội và tăng quyền lợi cho người lao động chứ không tập trung hạn chế quyền lợi người lao động.
Đặc biệt, sẽ tập trung vào 5 nhóm giải pháp chính và 12 nội dung với một số điểm như:
Thứ nhất, làm sao để hạn chế tối đa việc rút bảo hiểm xã hội một lần, vừa đảm bảo ổn định an sinh xã hội vì bảo hiểm xã hội là một trong hai trụ cột căn bản nhất của an sinh xã hội.
Thứ hai, việc này cũng phải để đảm bảo cho người lao động khi cần thiết thực sự thì họ có quyền được hưởng.
Thứ ba, đảm bảo người lao động có thể không cần rút bảo hiểm xã hội một lần nhưng vẫn có chính sách khác bù lại.
Hà Anh (lược ghi)
HÀ ANH - LƯƠNG HẠNH (BÁO LAO ĐỘNG)
(Nguồn: http://www.congdoan.vn/tin-tuc/hoat-dong-cong-doan-3569/lanh-dao-quoc-hoi-lang-nghe-thau-hieu-tam-tu-cua-nguoi-lao-dong-831746.tld)