Học Bác sống chia sẻ, yêu thương

Cô Bùi Thị Hường trao đổi với học sinh tại lễ bế giảng bằng ngôn ngữ ký hiệu

Với họ, học tập Bác chính là đặt hết tâm huyết, trách nhiệm của mình vào công việc thường ngày

Lễ bế giảng năm học 2022-2023 tại Trường Giáo dục chuyên biệt Hy Vọng (quận Gò Vấp, TP HCM) diễn ra sáng 26-5 đã để lại rất nhiều cảm xúc với phụ huynh, học sinh và giáo viên (GV) của trường, nhất là khi chứng kiến những học sinh khiếm thính trình diễn văn nghệ. Chứng kiến những học trò ngày nào không nghe, không nói được nay tự tin biểu diễn trên sân khấu, dùng ngôn ngữ ký hiệu thay cho lời ca tiếng hát, cô Bùi Thị Hường, GV lớp 4 khiếm thính, rưng rưng vì tự hào.

 

Nhẫn nại với học trò

Cô Hường là một trong những GV dày dặn kinh nghiệm với 17 năm trong nghề. Nhớ lại thời gian đầu nhận việc, dù được đào tạo bài bản nhưng khi đứng lớp, cô vẫn trải qua vô vàn thử thách bởi các em khiếm thính khi bước vào trường hầu hết đều chưa từng tiếp xúc với âm thanh, chưa biết phát âm, các ký hiệu mà các em sử dụng cũng tự phát. Vì vậy, trước khi vào lớp 1, các em phải trải qua ít nhất 2 năm học dự bị về ngôn ngữ.

Cô kể, những trường hợp tật nặng hoặc bị đa dị tật thì phải mất ít nhất một năm các em mới làm quen được môi trường lớp học. Vì vậy, ngoài kỹ năng, GV phải yêu trẻ, kiên nhẫn. Ngoài ra, cô cũng luôn tìm cách để giúp các bài học trở nên gần gũi và đơn giản hơn. Tiêu biểu như giải pháp "Thay đổi các bước dạy học giúp học sinh khiếm thính lớp bốn học tốt môn tập đọc" được thực hiện trong năm 2022.

Trước đây, khi học môn này, học sinh được hướng dẫn đọc toàn bài rồi tìm hiểu nội dung, rất lâu các em mới tiếp thu được. Nay cô thay đổi bằng cách cho các em xem tranh của bài đọc, miêu tả tranh bằng ngôn ngữ ký hiệu, tìm và giải nghĩa những từ khó trong bài, giúp các em thể hiện từ đó bằng ký hiệu. Sau cùng, mới đọc và tìm hiểu nội dung toàn bài. Cách làm này giúp học sinh ghi nhớ nhanh hơn so với trước. Sáng kiến này cũng được áp dụng với tất cả các lớp khiếm thính tại trường.

Không chỉ vậy, cô Hường còn rất lăn xả trong công việc. Nhất là trong giai đoạn 5 năm Dự án Giáo dục trẻ điếc trước tuổi đến trường được triển khai. Mỗi ngày, sau giờ lên lớp, cô lại theo bước chân học trò về tận nhà, gặp gỡ và hỗ trợ người thân của các em giao tiếp với con em mình bằng ngôn ngữ ký hiệu đúng chuẩn.

Việc làm này giúp các em tự tin biểu đạt cảm xúc. Suốt mấy năm tham gia dự án, cô và đồng nghiệp phải gắng sức, bởi có em nhà rất xa, tận tỉnh Bình Dương nhưng không ai chùn bước. "Thời gian ấy, chỉ sau 21 giờ đêm mới có mặt ở nhà nhưng tôi vẫn vui vì sau những vất vả là trái ngọt, học trò tiến bộ từng ngày. Đó là phần thưởng lớn nhất với tôi" - cô Hường nhớ lại.

Cô Hường còn là chủ tịch Công đoàn cơ sở tâm huyết. Lúc dịch bệnh bùng phát, dù bận rộn công việc chuyên môn nhưng cô vẫn cố gắng chăm lo chu đáo đời sống của đoàn viên. Cùng với ban giám hiệu trường, cô đã vận động kinh phí hỗ trợ lương cho những đoàn viên bị giảm thu nhập trong giai đoạn trường tạm đóng cửa. Với những đóng góp ấy, cô Hường vừa được LĐLĐ TP HCM tuyên dương là gương tiêu biểu trong "Học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".

 

Tâm huyết với doanh nghiệp và công nhân

Bà Châu Thị Ngọc Liên, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Thái Sơn S.P (quận Bình Thạnh), cũng là tấm gương sáng trong học tập Bác, được doanh nghiệp (DN) và người lao động (NLĐ) tin tưởng.

Điểm nổi bật ở bà Liên là luôn khéo léo, hài hòa lợi ích giữa đôi bên. Tiêu biểu như trong giai đoạn dịch bệnh, có những tháng DN gặp khó, đứng trước nguy cơ phải tạm hoãn hợp đồng của nhiều NLĐ, bà Liên cùng Công đoàn cơ sở vận động NLĐ tình nguyện giảm lương (từ 1,5% -15%) trong vòng 4 tháng. Trân trọng tình cảm và sự chia sẻ thiết thực của tập thể NLĐ, dù đối diện khó khăn nhưng ban giám đốc vẫn cố gắng duy trì các phúc lợi và tiền thưởng Tết (bằng 1,5 tháng lương thực lãnh) cho công nhân.

Công đoàn công ty cũng có nhiều mô hình chăm lo sáng tạo hướng đến đoàn viên. Việc hình thành Quỹ Hỗ trợ "Lao động nữ nuôi con 1 mình" là một ví dụ. 90% lao động tại Công ty TNHH Thái Sơn S.P là nữ, trong đó không ít trường hợp đơn thân nuôi con. Do vậy, những năm qua, chị luôn tìm cách hỗ trợ đối tượng này. Ý tưởng hình thành quỹ xuất phát từ đó. Để tạo nguồn, ban chấp hành Công đoàn đã chỉ đạo Ban Nữ công thực hiện công trình thu gom giấy vụn. Trong 2 năm qua, quỹ đã giúp đỡ hơn 50 nữ công nhân khó khăn.

Là một trong những trường hợp được hỗ trợ, bà Huỳnh Nghệ Trinh chia sẻ: "Ngoài khoản chăm lo từ quỹ, tôi còn được Công đoàn tạo điều kiện thu gom giấy vụn đem bán để có thêm thu nhập. Nhờ khoản tăng thêm ấy mà cuộc sống của tôi đỡ hơn trước rất nhiều". Luôn đặt tâm huyết vào công việc và hoạt động Công đoàn, đó là cách chị Liên học Bác. Chị tâm sự: "Với tôi, học Bác chính là vượt qua những khó khăn để làm tốt công việc của mình".

Những tấm gương tiêu biểu được tuyên dương đều là những nhân tố tích cực, thấm nhuần tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác, cống hiến hết mình cho công việc, cho đoàn viên và cho xã hội” - ông Phùng Thái Quang, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, nhấn mạnh.

 

Nguồn : Bài và ảnh: THANH NGA; nld.com.vn

(Nguồn: https://www.congdoantphochiminh.org.vn/#/portal/post-detail?title=Hoc-Bac-song-chia-se--yeu-thuong)

 

Date : 29-05-2023
Tags:

Bài viết liên quan