Tổ chức Công đoàn tham gia kiểm tra, giám sát nhằm phòng ngừa, phát hiện và kiến nghị xử lí những hành vi vi phạm pháp luật

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa ban hành Hướng dẫn số 1560/HD-TLĐ về “Thực hiện việc tham gia kiểm tra, giám sát của Công đoàn về chấp hành quy định của pháp luật lao động liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động”.

Mục đích tham gia kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật của Công đoàn nhằm phòng ngừa, phát hiện và kiến nghị xử lí đối với những hành vi vi phạm pháp luật, xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của đoàn viên công đoàn và CNLĐ; góp phần thực hiện chức năng tham gia quản lý nhà nước, bảo vệ đoàn viên công đoàn và CNLĐ.

LĐLĐ huyện Tân Yên (Bắc Giang) tham gia đoàn kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật tại một số DN trên địa bàn

Việc tham gia với các cơ quan, tổ chức hữu quan thực hiện quyền kiểm tra, giám sát được thực hiện theo kế hoạch, chương trình phối hợp công tác giữa Công đoàn với các cơ quan, tổ chức đó, bao gồm hoạt động kiểm tra, giám sát định kì, thường xuyên và đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm chính sách, pháp luật của đối tượng kiểm tra và các cấp Công đoàn cần phải chủ động đề xuất nội dung, cử cán bộ tham gia.

Khi tham gia, phối hợp thanh tra, kiểm tra, giám sát Công đoàn có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp thông tin, tài liệu và giải trình những vấn đề có liên quan; kiến nghị biện pháp sửa chữa thiếu sót, ngăn ngừa vi phạm, khắc phục hậu quả và xử lí hành vi vi phạm pháp luật. Trường hợp phát hiện nơi làm việc có yếu tố ảnh hưởng hoặc nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng người lao động, Công đoàn có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có trách nhiệm thực hiện ngay biện pháp khắc phục, bảo đảm an toàn lao động, kể cả trường hợp phải tạm ngừng hoạt động…

Hướng dẫn cũng nêu rõ, tổ chức Công đoàn tham gia kiểm tra, giám sát có trách nhiệm phối hợp theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kết luận kiểm tra, kết quả giám sát và các kiến nghị của đoàn kiểm tra, giám sát liên quan đến quyền, lợi ích củ đoàn viên, CNLĐ. Trường hợp kết luận kiểm tra, kết luận giám sát và kiến nghị kiểm tra, giám sát không được thực hiện, tổ chức CĐ đã tham gia kiểm tra, giám sát có trách nhiệm đề nghị cơ quan có thẩm quyền thực hiện các giải pháp theo quy định của pháp luật nhằm đảm bảo việc thực hiện kết luận kiểm tra, kết quả giám sát và kiến nghị kiểm tra.

Đ.L

(Nguồn: http://www.congdoan.vn/tin-tuc/chinh-sach-phap-luat-quan-he-lao-dong-509/to-chuc-cong-doan-tham-gia-kiem-tra-giam-sat-nham-phong-ngua-phat-hien-va-kien-nghi-xu-li-nhung-hanh-vi-vi-pham-phap-luat-421455.tld)

Date : 10-10-2019
Tags:

Bài viết liên quan