Để doanh nghiệp chung tay mua vaccine COVID-19 cho công nhân

Trước những diễn biến phức tạp dịch COVID-19 tại một số địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định thành lập Quỹ vaccine phòng COVID-19. Trên cơ sở đó, sẽ huy động nguồn lực đóng góp của các tổ chức, cá nhân. Ngoài ra, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiến nghị để các doanh nghiệp được đồng hành cùng Chính phủ tìm nguồn vaccine, chi trả chi phí tiêm vaccine cho người lao động để sớm khôi phục sản xuất.

Doanh nghiệp mong muốn chung tay tìm nguồn vaccine

Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) - cho biết, ngành Dệt may hiện có gần 3 triệu lao động, chỉ cần bị giãn cách, ngừng sản xuất nửa tháng thì hậu quả vô cùng lớn, coi như kế hoạch sản xuất cả năm bị “vỡ”. Ngoài những biện pháp phòng, chống dịch đang áp dụng thì vaccine vẫn là giải pháp hiệu quả nhất hiện nay. Các doanh nghiệp đang sốt ruột chờ vaccine và mong muốn được chung tay, chia sẻ chi phí liên quan đến việc tiêm chủng cho người lao động.

Còn theo ông Trần Đức Nghĩa - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Delta - doanh nghiệp này có gần 150 lái xe, từ thời điểm làn sóng dịch thứ 4 bùng phát vào cuối tháng 4.2021 đến nay, đã phải chi vài trăm triệu đồng cho việc xét nghiệm. Doanh thu sụt giảm, thậm chí nhiều tuyến vận tải gần như không có doanh thu, trong khi vẫn phải gánh nhiều khoản chi phí phát sinh vì COVID-19, nên rất khó khăn. Ông Nghĩa đề nghị Chính phủ nên nghiên cứu, có cơ chế cho phép doanh nghiệp tham gia mua, tiêm vaccine trả phí, bởi tính ra chi phí tiêm còn rẻ hơn nhiều so với chi phí xét nghiệm.

Bà Đỗ Thị Thúy Hương - đại diện cho Hiệp hội Điện tử Việt Nam và Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ lo lắng, khi ngành Điện tử và Công nghiệp hỗ trợ đang đối mặt nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, bởi dịch COVID-19 đang đánh thẳng vào “thủ phủ” công nghiệp Bắc Giang, Bắc Ninh. Trong bối cảnh ngân sách khó khăn, nhiều doanh nghiệp mong muốn được trực tiếp chi trả chi phí tiêm vaccine cho người lao động. Đồng thời có cơ chế cho doanh nghiệp huy động các kênh, mối quan hệ để kết nối, đàm phán mua vaccine trên nguyên tắc Nhà nước phê duyệt, kiểm soát và quản lý chất lượng, triển khai tiêm cho người lao động.

Bà Đỗ Hồng Hạnh - thành viên Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho biết, trong liên minh hiệp hội doanh nghiệp Việt - Mỹ, có đơn vị sẵn sàng đứng ra kết nối với các hãng sản xuất vaccine. Họ cũng đảm bảo, chịu trách nhiệm đưa hàng về Việt Nam, sau khi vaccine được cơ quan y tế kiểm nghiệm đạt tiêu chuẩn mới thanh toán.

“Doanh nghiệp mong muốn được chung tay tìm nguồn vaccine và chi trả chi phí, chia sẻ gánh nặng với Chính phủ. VCCI sẽ tổng hợp các ý kiến để kiến nghị và đề xuất với Chính phủ và Bộ Y tế để sớm có giải pháp thiết thực nhất” - ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI cho biết.

 

Nguyện vọng chung nhưng vẫn còn những băn khoăn

Trao đổi với PV Lao Động, đại diện một Petrolimex cho rằng, mong muốn, nguyện vọng của tất cả các doanh nghiệp khi đang tiến hành sản xuất kinh doanh đều là có kênh để có được vaccine nhanh nhất. Thực tế hiện nay bài toán vaccine vẫn là mấu chốt trong việc phòng dịch.

“Doanh nghiệp chúng tôi vô cùng quan tâm đến vaccine. Bản thân tôi là người nằm trong ban phòng, chống COVID0-19 của cơ quan nên cũng tìm hiểu thông tin. Việc có vaccine để tiêm ai cũng có nhu cầu, vì điều này không chỉ an toàn cho cá nhân mỗi người, an toàn cho doanh nghiệp yên tâm sản xuất mà còn an toàn cho cả xã hội. Trong thời buổi dịch bệnh, tôi cho rằng không có đơn vị nào không mong muốn có vaccine để tiêm cho người lao động của mình.

Một thực tế hiện nay các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh khi dịch bùng lên thậm chí phải đề nghị Chính phủ tạo điều kiện, có giải pháp để sản xuất vì lo đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế. Việc có vaccine để tiêm sẽ giúp doanh nghiệp yên tâm hơn trong quá trình sản xuất, đảm bảo sức khỏe cho người lao động.

Khi có quỹ mua vaccine, thực tế rất nhiều doanh nghiệp đã tham gia đóng góp vô cùng tích cực và tôi cho rằng đa số các doanh nghiệp đều sẽ có đóng góp đối với một quỹ thiết thực như vậy. Chúng tôi cũng đang tiến hành ủng hộ” - vị này chia sẻ.

Dù nhiệt tình ủng hộ ý kiến cho phép các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia mua vaccine phòng COVID-19 để tăng kênh nhập vaccine, tuy nhiên đại diện tập đoàn này vẫn bày tỏ một số băn khoăn.

“Điều chúng tôi quan tâm nhất là, nếu Chính phủ đồng ý cho doanh nghiệp tham gia vào công tác mua vaccine thì việc mua này sẽ diễn ra như thế nào? Công tác kiểm soát chất lượng, kiểm soát y tế thì doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ như thế nào.

Vì thực tế có những vaccine theo tôi được biết phải bảo quản ở nhiệt độ rất thấp, khoảng âm 76oC. Vậy thì chúng ta có điều kiện để đảm bảo bảo quản những loại vaccine này không? Đơn vị nào sẽ hỗ trợ chúng tôi bảo đảm chất lượng vaccine sau khi nhập” - đại diện tập đoàn này cho biết.

 

Chiều 31.5, GS-TS Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế - cho biết: Bộ Y tế khuyến khích và tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp, tập đoàn, các địa phương tham gia nhập khẩu vaccine phòng COVID-19 vào Việt Nam. Tuy nhiên, việc đảm bảo chất lượng vaccine an toàn luôn được Bộ Y tế quan tâm hàng đầu.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị cũng như Nghị quyết 21 của Chính phủ, trong thời gian qua, Bộ Y tế đã phối hợp với tất cả các bộ, ban ngành cũng như khuyến khích tất cả các địa phương, doanh nghiệp, đơn vị tham gia vào tìm kiếm, nhập khẩu vaccine phòng COVID-19 để có nguồn vaccine sử dụng cho người dân Việt Nam nhanh nhất, sớm nhất và rộng nhất.

Tới đây, Bộ Y tế tiếp tục đưa ra các chính sách khuyến khích, động viên nhiều hơn các địa phương, doanh nghiệp tham gia vào quá trình tìm kiếm vaccine phòng COVID-19.

Theo đó, Bộ Y tế sẽ tạo điều kiện tối đa cho tất cả các địa phương và đơn vị, doanh nghiệp trong quá trình nhập khẩu, cấp phép nhập khẩu, kiểm định vaccine. Kể cả trong trường hợp nhà sản xuất yêu cầu về trách nhiệm miễn trừ thì Bộ Y tế sẽ có trách nhiệm báo cáo với Chính phủ và Bộ Y tế sẽ là cơ quan của Chính phủ thực hiện.

“Trong trường hợp doanh nghiệp không có điều kiện tiêm chủng thì Bộ Y tế sẽ chỉ đạo hệ thống tiêm chủng của nhà nước thực hiện tiêm chủng vaccine này”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Bộ Y tế đã xem xét và rà soát lại tất cả các quy trình, thủ tục trong vấn đề về cấp phép và đánh giá kiểm định chất lượng. “Đối với các loại vaccine đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cấp phép thì trong vòng 5 ngày kể từ khi nhận được đầy đủ hồ sơ hợp pháp, hợp lệ và uỷ quyền của nhà sản xuất, Hội đồng cấp phép về vaccine và sinh phẩm của Bộ Y tế sẽ tiến hành họp, thẩm định và cấp phép cho vaccine đó” - Bộ trưởng Bộ Y tế thông tin.

Đồng thời khi vaccine được nhập khẩu vào Việt Nam, trong vòng 2 ngày, nếu có đầy đủ hồ sơ hợp lệ về nhập khẩu vaccine vào Việt Nam và uỷ quyền của nhà sản xuất thì Hội đồng cấp phép về vaccine và sinh phẩm của Bộ Y tế sẽ tiến hành họp, thẩm định, rà soát lại toàn bộ hồ sơ và cho phép tiến hành xuất xưởng lô vaccine đó để có thể sử dụng theo quy định của Tổ chức Y tế Thế giới. Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đồng thời nhấn mạnh: Bộ Y tế khuyến khích tất cả cộng đồng doanh nghiệp nhập khẩu trực tiếp vaccine về Việt Nam, nếu có uỷ quyền chính thức của nhà sản xuất.

Đối với địa phương đã đăng ký làm việc với Bộ Y tế và cho biết có thể tiến hành mua vaccine của các doanh nghiệp, tập đoàn, Bộ Y tế sẵn sàng tạo điều kiện cho địa phương tiếp cận.

PHAN ANH - LỆ HÀ

(Nguồn: https://laodong.vn/cong-doan/de-doanh-nghiep-chung-tay-mua-vaccine-covid-19-cho-cong-nhan-915297.ldo)

 

Date : 01-06-2021
Tags:

Bài viết liên quan