Cuộc sống của công nhân các khu công nghiệp hiện còn nhiều khó khăn. Ảnh: HẢI NGUYỄN
Ở mẫu khảo sát, cũng đã chọn các DN sản xuất, thương mại, dịch vụ. Chúng tôi nhận thấy, có lẽ trong nhiều cuộc khảo sát về tiền lương, thu nhập, mức sống, lần này Viện Công nhân và Công đoàn (Viện CNCĐ) đã thực hiện với một mẫu lớn, có tính đại diện cao, đủ điều kiện phản ánh, minh chứng cho thực trạng tiền lương, thu nhập và đời sống của CNLĐ cả nước.
Trong phiên họp thứ nhất của Hội đồng Tiền lương quốc gia, bên đại diện giới chủ (VCCI và Liên minh các Hợp tác xã), cho rằng, năm 2019, mặc dù có nhiều yếu tố thuận lợi, nhưng họ không đề xuất tăng lương tối thiểu. Vị Phó Chủ tịch VCCI nói: “Năm 2019, xin đề nghị khối DN không tăng lương, để DN được nghỉ dưỡng sức, nâng cao hơn nữa sức cạnh tranh”. Thậm chí họ không có ý định điều chỉnh tăng thêm tiền lương tối thiểu nữa.
Theo họ, một vài năm mới điều chỉnh tăng lương một lần. Một số tờ báo đã băn khoăn và đặt vấn đề với đại diện Tổng LĐLĐVN: Việc đề xuất không tăng lương năm 2019 của giới sử dụng lao động có hợp lý hay không? Chúng tôi cho rằng, việc tuyên bố của giới sử dụng lao động, không đề nghị điều chỉnh tăng lương tối thiểu ở năm 2019 là không thể chấp nhận được. Lý lẽ của chúng tôi có thể tóm tắt trong mấy vấn đề sau:
Thứ nhất, nền kinh tế Việt Nam năm 2018 và triển vọng năm 2019 rất khả quan: Tăng trưởng cao, đã có những tín hiệu bền vững, tích cực. Số lượng DN phá sản vẫn còn nhưng các DN mới ra đời tăng lên; đồng thời các DN quay lại hoạt động còn nhiều hơn các DN phá sản, giải thể; số lao động được hút vào các DN, các khu công nghiệp tiếp tục tăng; tỉ lệ thất nghiệp giảm. Số lao động khu vực DN nhà nước tuy có giảm (0,2%), nhưng lao động được thu hút vào các DN dân doanh, DN FDI lại tăng 3,5%. Đây là những chỉ báo rất tích cực của nền kinh tế.
Thứ hai, năng suất lao động xã hội năm 2017, nửa đầu năm 2018 tăng gần 6%, một phần nhờ Thủ tướng Chính phủ kịp thời cho phép điều chỉnh tăng lương tối thiểu thêm 6,5%. Rất nhiều CNLĐ được khuyến khích nhờ động lực làm việc tốt hơn: Họ làm việc chăm chỉ hơn, có trách nhiệm hơn và gắn bó với DN nhiều hơn.
Trong các nhân tố tạo ra động lực làm việc ở Việt Nam, tiền lương và thu nhập là nhân tố mạnh nhất. Trong các kết quả khảo sát thực tế gần đây cho thấy, người lao động đặc biệt quan tâm đến tiền lương và thu nhập vì đây là yếu tố quyết định họ sống, làm việc và cố gắng phấn đấu.
Tiền lương càng thấp thì nhu cầu và mong muốn được cải thiện tiền lương càng cao, càng mạnh mẽ. Lúc này, tiền lương không chỉ là chi phí nữa, mà nó là nguồn tạo ra các giá trị mới cho DN, giúp tiết kiệm tổng chi phí, làm cho mức chi phí chung để làm ra mỗi đơn vị sản phẩm hàng hóa giảm đi. Đây là nguồn gốc của năng suất lao động.
Thứ ba, tiền lương tối thiểu về cơ bản vẫn chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu của người lao động. Trong các năm từ 2014 đến 2017, qua 4 lần đề xuất tăng lương tối thiểu vùng và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, tiền lương tối thiểu mới đạt gần 93% nhu cầu sống tối thiểu.
Như vậy, năm 2019 phải điều chỉnh tiền lương tối thiểu tăng thêm là lẽ đương nhiên. Yêu cầu giới sử dụng lao động phải có trách nhiệm điều chỉnh tiền lương tối thiểu, nhằm rút ngắn khoảng chênh lệch giữa tiền lương tối thiểu với mức sống tối thiểu. Đây vừa là đạo lý, vừa là trách nhiệm của người sử dụng lao động, là lợi ích của DN.
Lúc này, tiền lương tối thiểu sẽ là sự chia sẻ giữa người sử dụng lao động và người lao động. Muốn có năng suất lao động, muốn tạo sự gắn kết, đồng thuận, trách nhiệm của người lao động, thì người sử dụng lao động phải bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho họ từ các mức lương mà DN trả. Muốn làm được như thế, việc đầu tiên là phải làm cho các mức lương tối thiểu tiến gần đến mức sống tối thiểu.
Thứ tư, hiện tại, đời sống vật chất và tinh thần của CNLĐ trong các doanh nghiệp, các khu công nghiệp còn rất khó khăn. Mặc dù đã có chiều hướng cải thiện tốt lên, nhưng gần 50% số CNLĐ, để lo cho cuộc sống đạm bạc của mình, vẫn phải chi tiêu hết sức tằn tiện. Đồng thời, vẫn còn trên 12% số CNLĐ hằng tháng, không đủ thu nhập cho nhu cầu chi tiêu tối thiểu của mình.
CNLĐ là nguồn lực cơ bản, nguồn lực số một trong các nguồn lực của DN. DN muốn “khỏe”, muốn “mạnh”, muốn có sức cạnh tranh, trước hết cần chăm lo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Mà một trong những điều kiện để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là thiết kế và thực thi các mức lương để người lao động có thể sống được bằng lương. Đây là nút thắt cơ bản, nhất định không thể không được giải quyết. Đây cũng là mấu chốt cho các chiến lược tăng tốc của nền kinh tế Việt Nam hiện nay.
Thứ năm, nếu giả thuyết ý kiến của giới sử dụng lao động không tăng lương tối thiểu ở năm 2019, thì theo Nghị quyết của T.Ư Đảng đã thống nhất giới hạn thời gian thấp nhất, để tiền lương tối thiểu ngang bằng mức sống tối thiểu ở năm 2020 thì có nghĩa là năm 2020, mức lương tối thiểu được điều chỉnh tăng lên, phải gánh cả phần của năm 2019.
Như vậy, nền kinh tế có thể đứng trước một mâu thuẫn lớn: Nếu vẫn tăng lương như kịch bản chúng tôi vừa nêu, thì mức tăng, phải tới gần 20% (bao gồm cả phần điều chỉnh theo mức trượt giá cộng với phần điều chỉnh tăng thêm do tăng năng suất lao động); hoặc không thể hoàn thành những chỉ tiêu như Nghị quyết T.Ư đặt ra.
Vì vậy, mức đề xuất của Tổng LĐLĐVN, chúng tôi vẫn cho là cần thiết, hợp lý, hợp tình, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội. Vậy, giới chủ sử dụng lao động không thể không đồng thuận với Tổng LĐLĐVN trong việc đề xuất với Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh tăng tiền lương tối thiểu cho CNLĐ.