Tháng Công nhân hằng năm là tháng cao điểm để các doanh nghiệp quan tâm, chăm lo cho công nhân lao động. Đây cũng là dịp để người lao động bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, ước mong của mình về đời sống, việc làm.
Mong ước công việc và thu nhập ổn định
Anh Hoàng Quân (quê Bắc Giang) cùng vợ làm công nhân tại một doanh nghiệp thuộc KCN Phúc Sơn (TP Ninh Bình) cho biết, anh đã có thâm niên làm việc 7 năm tại công ty, công việc, thu nhập những năm trước đây luôn ổn định. Tuy nhiên, sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tình hình sản xuất của doanh nghiệp bị chững lại, công nhân bị giảm giờ làm kéo theo thu nhập cũng giảm.
“Khi công ty có đơn hàng dồi dào, thu nhập của tôi trung bình khoảng 10 triệu đồng/tháng, nay việc ít thu nhập giảm còn hơn 7 triệu đồng/tháng” - anh Quân bộc bạch.
Thu nhập không ổn định, nhiều lúc không đủ để trang trải cuộc sống, nhất là khi đã có gia đình. Đồng lương không tăng, trong khi giá các loại dịch vụ, hàng tiêu dùng có xu hướng tăng, khiến nhiều gia đình công nhân ngày càng khó khăn hơn.
Anh Quân nhẩm tính, tiền thuê phòng trọ, điện, nước, sinh hoạt gia đình, chi phí cho con đi học… tốn hơn chục triệu đồng/tháng. Trong khi, mức lương hiện tại của hai vợ chồng chỉ từ 12 - 14 triệu đồng/tháng. “Hai vợ chồng tôi phải chắt bóp, chi tiêu làm sao để tiết kiệm tối đa chi phí sinh hoạt” - anh Quân tâm sự.
Nói về ước mong của mình, chị Ninh - vợ anh Quân bày tỏ: “Thực sự bây giờ tôi chỉ mong công ty có thêm đơn hàng để công nhân chúng tôi được làm việc, đồng lương công nhân được tăng lên để đảm bảo cuộc sống. Như bản thân tôi, gần chục năm bán sức lao động mà không có tiền dư dả, tích lũy, đến giờ vẫn phải thuê trọ thì quả thực là rất vất vả”.
Mong ước “an cư” và chăm sóc tinh thần
Không chỉ ước mong việc làm, thu nhập đảm bảo cuộc sống, công nhân cũng mong được doanh nghiệp, Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện “an cư” để ổn định cuộc sống và yên tâm lao động sản xuất.
“Đa phần công nhân lao động chúng tôi đều mong muốn được ở trong những khu nhà dành cho công nhân để được thụ hưởng các tiện ích và quyền lợi dành riêng cho công nhân lao động. Hoặc nếu có thể là được quan tâm, tạo điều kiện, hỗ trợ mua nhà ở giá rẻ, trả góp trong thời gian dài” - chị Hoàng Kim (quê Bắc Ninh) bày tỏ.
Ngoài những mong ước về đảm bảo đời sống, việc làm, thu nhập, nhiều công nhân lao động bày tỏ quan điểm trong quá trình lao động sản xuất phải luôn đặt an toàn lên hàng đầu, có như thế, người lao động mới đảm bảo sức khỏe để làm việc, chăm sóc gia đình.
Môi trường lao động đặc thù ở các ngành sử dụng đông công nhân như gia công may, da giày, điện tử, phải làm việc trong điều kiện áp lực và cường độ cao, thường xuyên phải tăng ca, môi trường làm việc ồn, nóng, bụi, mùi của hóa chất (keo dán). Ngoài ra, tư thế lao động của một số ngành, nghề đặc thù khiến thời gian làm việc kéo dài, phát sinh các bệnh ảnh hưởng sức khỏe.
“Công nhân chúng tôi đi làm cả ngày, hầu như không có thời gian để giải trí, đôi khi cũng cảm thấy mệt mỏi, nên nếu có thể Công đoàn mời những chuyên gia tâm lý về tư vấn, giúp chúng tôi có tâm lý ổn định làm việc, bớt căng thẳng và lo toan. Tiền rất quan trọng nhưng bên cạnh đó, công nhân chúng tôi cũng cần có sự thấu hiểu và sẻ chia” - chị Đỗ Thị Na (công nhân một công ty may tại Ninh Bình) chia sẻ.
Mỗi công nhân đều có những ước mong riêng, nhưng tựu trung lại đó đều là những ước mong rất thiết thực, xuất phát từ chính nhu cầu trong cuộc sống và quá trình làm việc của họ. Và hơn hết, trong Tháng Công nhân 2024, mỗi công nhân đều mong muốn các cấp, ngành, đoàn thể và doanh nghiệp lắng nghe, thấu hiểu để hỗ trợ, giúp họ ổn định cuộc sống và yên tâm lao động sản xuất.
QUỲNH TRANG
(Nguồn: https://laodong.vn/cong-doan/cong-nhan-chia-se-mo-uoc-nhan-thang-cong-nhan-1334991.ldo)