Chuyển đổi số của Công đoàn Việt Nam lấy đoàn viên làm trung tâm

Ngày 30/3, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức Hội nghị lấy ý kiến vào dự thảo đề án chuyển đổi số của Công đoàn Việt Nam. Đồng chí Trần Thanh Hải – Phó Chủ tịch Thường trực chủ trì. Dự Hội thảo có các đồng chí Phó Chủ tịch: Trần Văn Thuật, Phan Văn Anh và các chuyên gia đến từ Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các doanh nghiệp công nghệ thông tin.

Đại diện đơn vị tư vấn trình bày dự thảo Đề án chuyển đổi số Công đoàn Việt Nam

 

Tại hội nghị, đại diện đơn vị tư vấn đã trình bày dự thảo Đề án Chuyển đổi số Công đoàn Việt Nam đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo mục tiêu đề án đặt ra, việc chuyển đổi số nhằm nâng cao năng lực quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động kinh tế - xã hội, tạo ra môi trường làm việc an toàn, thân thiện, phục vụ tốt cho hoạt động của các cấp công đoàn; tăng cường kết nối thông tin trực tiếp giữa đoàn viên, người lao động với cán bộ làm công tác công đoàn các cấp. Để đạt được mục tiêu đó, đề án cũng đặt ra 7 nhiệm vụ và 2 nhóm giải thuộc lĩnh vực công nghệ và phi công nghệ; lộ trình thực hiện.

Thảo luận tại Hội nghị, các chuyên gia đã tập trung đặt ra các vấn đề lõi trong chuyển đổi số của Công đoàn Việt Nam đó là thay đổi cách làm. Theo Giáo sư Hồ Tú Bảo – Chuyên gia tư vấn chương trình chuyển đổi số của Chính phủ cho rằng, chuyển đổi số của Công đoàn Việt Nam cần đặt đoàn viên, người lao động là trung tâm để chuyển đổi cách thức làm việc, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ trong người lao động. Trong bối cảnh kinh tế số, kỹ năng của người người lao động sẽ phải thay đổi rất nhiều, công đoàn cần đặt mục tiêu hỗ trợ người lao động thích ứng nhanh nhất trong thời gian tới. Cùng với đó là trang bị cho người lao động kỹ năng số để sống an toàn và có văn hóa trên môi trường mạng.

Giáo sư Hồ Tú Bảo – Chuyên gia tư vấn chương trình chuyển đổi số của Chính phủ

 

Ông Nguyễn Trọng Đường - Phó Vụ trưởng phụ trách điều hành Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông  cho rằng, trong chuyển đổi số cơ sở dữ liệu, con người thực thi mới quan trọng. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần phải có một nền tảng chung quản lý công đoàn từ trung ương tới cơ sở. Việc đề xuất xây dựng nhiều phần mềm ứng dụng cho mỗi ban chuyên môn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì là bất cập mà thay vào đó, các ban thực hiện chuẩn hóa quy trình, nghiệp vụ công tác, số hóa dữ liệu và đặt hàng, giao nhiệm vụ cho phần mềm. Cùng với đó, cần có chiến lược về cơ sở dữ liệu của công đoàn, theo đó nên sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Ngoài ra, cần xem xét lại mục tiêu tổng quát cần rút gọn lại cho sát với nhiệm vụ giải pháp và mục tiêu cụ thể; cần nhìn nhận lại cho sát hơn với tình hình thực tế. Các lộ trình giai đoạn thực hiện của đề án cũng cần đặt lại phù hợp hơn…

Đồng chí Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam

 

Kết luận hội nghị, đồng chí Trần Thanh Hải – Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam ghi nhận và cảm ơn những ý kiến đóng góp thiết thực của các chuyên gia; đồng thời  nhấn mạnh đây là đề án mang nội hàm rộng với nhiều nội dung mới, vừa có cái chung, cái riêng và còn nhiêu khó khăn, chủ yếu là nội tại.

Đồng chí giao Văn phòng tiếp thu ý kiến tại hội nghị; hoàn chỉnh lại dự thảo đề án để trình Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam. Đồng chí lưu ý, hệ thống tổ chức Công đoàn Việt Nam hiện có hơn 10 triệu đoàn viên. Thời gian qua, công đoàn tập trung chủ yếu hoạt động chăm lo còn việc phục vụ cho đoàn viên mới chỉ một phần. Trong thời gian tới, cần gia tăng các hoạt động phục vụ người lao động. Do đó, chuyển đổi số của Công đoàn Việt Nam phải đặt mục tiêu là đáp ứng được nhu cầu của của đoàn viên, người lao động.

 

(Nguồn: http://www.congdoan.vn/tin-tuc/phat-trien-doan-vien-xay-dung-to-chuc-cong-doan-508/chuyen-doi-so-cua-cong-doan-viet-nam-lay-doan-vien-lam-trung-tam-636728.tld)

Date : 25-04-2022
Tags:

Bài viết liên quan