Ngày 22.11, Tổng LĐLĐVN phối hợp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức hội thảo khoa học quốc gia “Xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh”.
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; ông Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN; GS.TS Tạ Ngọc Tấn - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương cùng chủ trì hội thảo.
Giai cấp công nhân Việt Nam đã phát huy vai trò tiên phong
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng khẳng định giai cấp công nhân (GCCN) Việt Nam đã phát huy vai trò tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, lực lượng đi đầu trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, nòng cốt trong liên minh với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Sứ mệnh lịch sử của GCCN Việt Nam trong thời kỳ Đổi mới chính là đạt được hai mục tiêu chiến lược 100 năm: Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, GCCN Việt Nam đóng vai trò chủ thể trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đổi mới sáng tạo, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước.
Tham luận về thành tựu trong thực hiện sứ mệnh lịch sử của GCCN ở nội dung kinh tế, TS. Phạm Thị Hoàng Hà - Viện trưởng Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) - cho biết, những năm gần đây, trình độ GCCN Việt Nam có chuyển biến tích cực.
Công nhân trong các doanh nghiệp có trình độ văn hóa khá cao (100% biết chữ, 80% có trình độ trung học cơ sở và trung học phổ thông); lao động ở nước ta có 37% qua đào tạo, trong đó 25% đã qua đào tạo nghề. Tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề là 55%, trong đó cao đẳng nghề, trung cấp nghề chiếm khoảng 20-25%.
Công nhân trí thức sẽ là bộ phận chủ đạo, nòng cốt trong GCCN hiện đại. Sự phát triển từ CNLĐ giản đơn sang công nhân trí thức đã trở thành xu thế chung của sự phát triển và tiến bộ xã hội. Đây là bộ phận đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế thời kỳ hội nhập; góp phần nâng cao chất lượng, bảo đảm giữ vững sứ mệnh lịch sử của GCCN Việt Nam.
Không tổ chức nào có thể thay thế tổ chức Công đoàn Việt Nam đối với GCCN
PGS.TS Dương Văn Sao - nguyên Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Công đoàn - khẳng định, không một tổ chức nào có thể thay thế tổ chức Công đoàn Việt Nam đối với GCCN.
PGS.TS Dương Văn Sao đề nghị cần quan tâm, củng cố vị trí của tổ chức CĐ. Trong đó phải có sự quan tâm thường xuyên, liên tục của Đảng đối với tổ chức CĐ. Những cơ chế, chính sách xây dựng GCCN phải được thể chế hóa và thực hiện đồng bộ. Đặc biệt cần có tổ chức CĐ đủ mạnh, với đội ngũ cán bộ CĐ có đủ trình độ, năng lực, kỹ năng đáp ứng được yêu cầu thực tế.
Cũng tại Hội thảo, các đại biểu đã thẳng thắn nêu ra những hạn chế, khó khăn trong việc xây dựng GCCN hiện đại, lớn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Kim Loan - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương - cho biết, hiện toàn tỉnh có khoảng 1,3 triệu CNLĐ, trong đó trên dưới 80% là CNLĐ ngoại tỉnh. Việc biên chế CĐ chỉ có 98 người mà quản lý 800.000 đoàn viên CĐ là một khó khăn rất lớn đối CĐ tỉnh. Trong khi đó do CNLĐ chủ yếu là người ngoại tỉnh nên cần phải đáp ứng được nhu cầu về vật chất, tinh thần cho họ.
Từ thực tế, bà Loan kiến nghị cần có thêm biên chế cho CĐ vì hiện đã quá tải công việc. Đối với nhà ở xã hội cần có chính sách lãi suất phù hợp để CNLĐ có điều kiện an cư…
Cũng từ thực tế, bà Phạm Thị Thanh Tâm - Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam chia sẻ về quá trình chuyển đổi số sẽ có thể làm giảm số lượng lao động của ngành và những nguy cơ bấp bênh trong công việc nên đòi hỏi NLĐ phải có tây nghề cao hơn.
Một thực trạng khác là hiện vẫn còn những bất cập về tiền lương tối thiểu, tuổi nghỉ hưu, chính sác về nhà trẻ cho con CNLĐ; có những chính sách hỗ trợ về kỹ năng cho NLĐ nhưng NLĐ lại khó tiếp cận… Do đó một trong những mong muốn của ngành Dệt May là ưu tiên đưa các nhà máy về địa phương để phát triển địa phương và giải quyết việc làm tại chỗ; các chính sách hỗ trợ cho NLĐ cần tập trung vào an sinh xã hội, đào tạo và phát triển để giúp CNLĐ tiếp cận và thích ứng với yêu cầu mới…
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng: CĐ Việt Nam đã có đóng góp tích cực vào công tác xây dựng GCCN hiện đại, lớn mạnh. Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của GCCN và NLĐ, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, là thành viên trong hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đại diện cho NLĐ. CĐ cùng với cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của NLĐ. CĐ trực tiếp tham gia xây dựng chính sách liên quan đến công nhân, lao động; tham gia tuyên truyền, vận động GCCN thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; tham gia đào tạo, bồi dưỡng, chăm lo thiết thực đời sống công nhân, đồng hành cùng Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước. Sự lớn mạnh của GCCN Việt Nam phản ánh chính quá trình trưởng thành của Công đoàn Việt Nam.
Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Đình Khang: Tổng LĐLĐVN mong rằng, kết quả Hội thảo sẽ là cơ sở, tiền đề để Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Hội đồng Lý luận Trung ương - hai trung tâm nghiên cứu lý luận chính trị hàng đầu của Đảng, tiếp tục củng cố và phát triển những vấn đề lý luận mới, sâu sắc về GCCN Việt Nam; cũng như vai trò của tổ chức CĐ với công tác xây dựng GCCN Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế toàn diện và ngày càng sâu rộng; đồng thời đề xuất các giải pháp góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ xây dựng GCCN đến 2030 và tầm nhìn 2045 mà văn kiện Đại hội Đảng XIII đặt ra; đồng thời cung cấp thông tin, tư liệu phục vụ xây dựng Dự thảo Văn kiện Đại hội XIV của Đảng.
GS,TS. Tạ Ngọc Tấn: Kiến nghị tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm của Nhà nước đối với GCCN; ban hành nghị quyết mới về xây dựng GCCN hiện đại, lớn mạnh làm tiền đề để xây dựng Chiến lược phát triển GCCN Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045, đặc biệt xây dựng đội ngũ công nhân trí thức; giữ vững, tăng cường bản chất GCCN của Đảng phải đi đôi với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân; có giải pháp đấu tranh, phản bác những quan điểm sai lệch, phủ nhận vai trò, sứ mệnh lịch sử của GCCN; kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, phấn đấu vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Kiều Vũ lược trích
Linh Nguyên (báo lao động)
https://laodong.vn/cong-doan/tang-cuong-su-lanh-dao-cua-dang-su-quan-tam-cua-nha-nuoc-doi-voi-giai-cap-cong-nhan-1425156.ldo
(http://www.congdoan.vn/tin-tuc/hoat-dong-cong-doan-3569/tang-cuong-su-lanh-dao-cua-dang-su-quan-tam-cua-nha-nuoc-doi-voi-giai-cap-cong-nhan-883812.tld)