Lương tối thiểu vùng tăng 6% từ ngày 1.7: Vui mừng xen lẫn băn khoăn

Trưa 12.4, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã tiến hành bỏ phiếu, chốt phương án tăng lương tối thiểu vùng 6% từ ngày 1.7.2022. Trước thông tin này, công nhân khu công nghiệp mừng rỡ vì với họ, đồng lương là khoản thu nhập duy nhất “cứu cánh” cho cuộc sống. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều băn khoăn.

Lương tối thiểu vùng tăng 6% từ ngày 1.7: Vui mừng xen lẫn băn khoăn
Công nhân khu công nghiệp ở Hà Nội vui mừng vì lương tối thiểu vùng tăng từ ngày 1.7. Ảnh: Minh Phương

 

Rất trông chờ được tăng lương

Anh Phạm Văn Nam có thâm niêm 10 năm làm công nhân ở Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội). Lương cơ bản của anh 8 triệu đồng/tháng, nếu được tăng ca, tiền lương thêm được 2-3 triệu đồng/tháng.

Anh Nam cho biết, mỗi năm, công ty đều tăng lương cho công nhân. 3 năm gần đây, lương tăng 300.000 - 400.000 đồng/người. Công nhân làm lâu năm được cộng thêm tiền tay nghề.

“Mỗi năm công ty sẽ tăng lương vài trăm nghìn đồng nhưng khi giá cả ngày một leo thang, chúng tôi rất trông chờ vào việc tăng lương. Ít nhiều gì cũng đáng quý. Ngoài tiền lương cố định, tiền tăng ca, công nhân chẳng có thêm thu nhập nào khác. Với chúng tôi, lương là nguồn sống duy nhất” - anh Nam nói.

2 vợ chồng anh Nam đều làm công nhân, tổng thu nhập của anh và vợ khoảng 20 triệu đồng/tháng. Anh có 2 bé gái đang học cấp 1, với số tiền làm công nhân nhận được, anh Nam nói “chỉ đủ sống” ở mức tối thiểu.

“Hơn 10 năm làm công nhân, tôi vẫn ở nhà thuê, đi xe số. Tiền tích cóp được cũng không nhiều nên chẳng dám đầu tư hay làm gì” - anh Nam bày tỏ.

Làm công nhân ở Hà Nội được 4 năm, lương cơ bản của chị Nguyễn Thu Hoài cộng thêm các khoản phụ cấp (đi lại, độc hại, xăng xe, tay nghề…) được hơn 6 triệu đồng/tháng, thu nhập sẽ là hơn 7 triệu đồng/tháng nếu được làm thêm giờ. Chị có 2 bé (3 tuổi, 6 tuổi); chồng làm tài xế xe công nghệ, cả gia đình thuê trọ ở xã Đại Mạch (huyện Đông Anh, Hà Nội) với giá 800.000 đồng/tháng. Chị cho hay, số tiền này đủ chi trả tiền thuê trọ, ăn uống hằng ngày, xăng xe đi lại. Để trang trải cho cuộc sống, người mẹ 2 con này hầu như không dành được gì cho bản thân. Khi mức sống ngày càng cao, với nữ công nhân này thì “lương tăng bao nhiêu vui bấy nhiêu”.

 

46,2% người lao động phải làm thêm giờ

Chị Phạm Thị Dịu - công nhân Khu công nghiệp Quang Châu (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) - cho hay, thời gian này, chị làm việc từ 20 giờ đến 8 giờ sáng hôm sau, nếu có tăng ca; nếu không tăng ca thì đến 4g30 sáng. Những hôm phải làm việc ban đêm, chị Dịu hầu như chỉ nằm ngủ cả ngày để lấy lại sức, chiều tối thức dậy, nấu ăn rồi lại bắt đầu vòng quay làm việc mới. Làm việc vất vả nhưng thu nhập của chị chỉ ở mức 8-9 triệu đồng; nếu không tăng ca thì chỉ ở mức 6-7 triệu đồng.

“Lương cơ bản của tôi là 4,3 triệu đồng/tháng. Năm ngoái, lương cơ bản tăng 200.000 đồng; còn năm nay chưa thấy tăng” - chị Dịu cho biết. Chị Dịu đã lập gia đình, nhưng chồng con ở quê, còn chị thuê trọ một mình tại thị trấn Nếnh (huyện Việt Yên), tốn 900.000 đồng/tháng tiền thuê nhà, chưa kể tiền điện nước.

“Ngoài ra, tôi còn rất nhiều khoản khác phải chi, như tiền ăn uống, sinh hoạt, đi lại. Mỗi tháng, tôi phải gửi về nhà khoảng 4 triệu đồng để nuôi con. Làm công nhân đã 4 năm nhưng hầu như không dành dụm được đồng nào” - chị Dịu nói.

Nghe tin tăng lương tối thiểu vùng, chị Dịu bày tỏ “tin vui nhất trong ngày là đây”.

Theo kết quả khảo sát do Tổng LĐLĐVN thực hiện trong tháng 3.2022, có 1.533 người lao động trả lời phiếu tại 6 tỉnh, thành phố cho thấy, mức lương người lao động nhận được không đủ trang trải nhu cầu sống tối thiểu của họ và gia đình: Có 46,2% người lao động cho hay, họ phải làm thêm giờ để có thêm thu nhập, trang trải cuộc sống.

Tiền lương thấp dẫn tới thiếu thốn chi tiêu trong sinh hoạt của người lao động và gia đình họ: Có 56,1% NLĐ cho biết, tiền lương và thu nhập chỉ vừa đủ trang trải cho cuộc sống; 21% cho hay, họ phải chi tiêu tằn tiện, kham khổ mới đủ; và 13,2% nói rằng thu nhập hiện nay không đủ sống…

Bên cạnh đó, một bộ phận lớn người lao động phải đi vay tiền để chi tiêu: Có 11,2% người lao động cho biết thường xuyên (hàng tháng) phải đi vay tiền để ổn định cuộc sống; 35,6% người lao động thỉnh thoảng (từ 3-4 tháng/lần) phải đi vay; 35,6% người lao động phải vay tiền từ 1-2 lần/năm và chỉ có 17,7% người lao động chưa phải vay tiền để chi tiêu cho cuộc sống.

 

https://laodong.vn/vi-loi-ich-doan-vien/luong-toi-thieu-vung-tang-6-tu-ngay-17-vui-mung-xen-lan-ban-khoan-1033381.ldo

MINH PHƯƠNG - QUẾ CHI (BÁO LAO ĐỘNG)

(Nguồn: http://congdoan.tdc.edu.vn/pho-chu-tich-tong-ldld-viet-nam-ngo-duy-hieu-%E2%80%9Cdam-phan-tien-luong-rat-soi-noi-va-khong-kem-phan-kich-tinh%E2%80%9D.html)

Date : 14-04-2022
Tags:

Bài viết liên quan