Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đắc cử Chủ tịch nước

Sáng 23.10, sau khi nghe báo cáo kết quả thảo luận tại đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và giải trình, tiếp thu ý kiến của các ĐB về dự kiến nhân sự bầu Chủ tịch nước, QH đã tiến hành bầu Chủ tịch nước bằng hình thức bỏ phiếu kín. Kết quả, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được QH bầu làm Chủ tịch nước với số phiếu gần như tuyệt đối 99,79% (476/477 ĐBQH tham gia bỏ phiếu).
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch nước ẢNH: NGỌC THẮNG

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch nước

ẢNH: NGỌC THẮNG

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng bước lên bục nghi lễ, cúi dưới cờ Tổ quốc, đặt tay lên Hiến pháp, tuyên thệ: “Dưới cờ đỏ thiêng liêng của Tổ quốc, trước QH, trước đồng bào cử tri cả nước, tôi - Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN VN, xin tuyên thệ: tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN VN, nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó”. 

 
 
Lãnh đạo các nước gửi điện chúc mừng
Tin từ Bộ Ngoại giao tối 23.10 cho biết: Nhân dịp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được QH khóa XIV bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước, lãnh đạo các nước Trung Quốc, Lào, Cuba và Nga đã gửi điện mừng.
 
Vừa mừng, vừa lo
Phát biểu trước QH sau khi tuyên thệ, tân Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định đây là một vinh dự vô cùng to lớn, đồng thời cũng là trách nhiệm hết sức nặng nề. “Tôi sẽ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ như tôi vừa tuyên thệ trước QH, trước đồng bào cử tri cả nước”, ông Trọng nói.
Chủ tịch nước nói: "Có lẽ nhiều người muốn biết tâm trạng của tôi lúc này thế nào? Tôi xin thưa thật rằng, tôi vừa mừng vừa lo. Mừng là vì được QH, được nhân dân tin cậy, yêu mến giao nhiệm vụ. Lo là làm thế nào để hoàn thành được thật tốt trách nhiệm của mình".
Tân Chủ tịch nước cho biết, đây là suy nghĩ thật lòng của mình, cũng giống như tâm trạng cách đây hơn 12 năm, khi ông được bầu giữ chức Chủ tịch QH vào ngày 26.6.2006. Khi ấy, ông cũng vừa mừng, vừa lo mà phần lo nhiều hơn vì chưa từng làm Chủ tịch QH bao giờ, lo không biết có hoàn thành nhiệm vụ được không. Vì thế, khi đó, phát biểu trước QH, ông đã ngẫu hứng lẩy 2 câu Kiều: “Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn, Khuôn xanh biết có vuông tròn mà hay”. “Bây giờ, tâm trạng tôi cũng tương tự như thế, thậm chí có phần lo lắng hơn”, ông nói.
Tân Chủ tịch nước cho hay, có 3 lý do khiến ông “có phần lo lắng hơn”: một là tình hình đất nước bên cạnh mặt thuận lợi là cơ bản cũng đang có không ít khó khăn, thách thức, đặt ra nhiều vấn đề phải giải quyết... Hai là, hiện nay cùng với giữ chức Chủ tịch nước, tôi vẫn đang gánh chức Tổng bí thư của Đảng, công việc rất nhiều, lại đang phải chuẩn bị cho Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Ba là, trình độ, năng lực, sự hiểu biết có hạn, tuổi tác lại đã lớn...
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đắc cử Chủ tịch nước - ảnh 2
Từ đó, tân Chủ tịch nước mong muốn, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ, các vị ĐBQH, cử tri và đồng bào cảm thông, chia sẻ, hết lòng giúp đỡ, tạo điều kiện; các cơ quan liên quan như QH, Chính phủ, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan tư pháp, các cơ quan, ban, ngành và các địa phương phối hợp chặt chẽ, đoàn kết thống nhất cao, giúp cho ông hoàn thành được nhiệm vụ được giao. “Riêng về phần cá nhân, tôi sẽ cố gắng hết sức mình, nỗ lực phấn đấu để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ mà Hiến pháp, pháp luật đã quy định và Đảng, Nhà nước, nhân dân đã giao phó”, tân Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng kết thúc bài phát biểu của mình. 
Sẽ có nhiều thuận lợi
Việc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được bầu làm Chủ tịch nước sẽ có nhiều thuận lợi. Trước hết, hiện Tổng bí thư đang là Trưởng ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng, ở cương vị là Chủ tịch nước, là người lãnh đạo toàn diện các lực lượng vũ trang, cải cách tư pháp, những chức vụ rường cột của nhà nước thì Tổng bí thư đồng thời là Chủ tịch nước sẽ kết hợp, sử dụng quyền hạn, trách nhiệm một cách đầy đủ và hiệu quả hơn. Thứ nữa, chúng ta đang thực hiện lồng ghép chức danh lãnh đạo cấp ủy với chính quyền thì đây là bước chuyển ban đầu ở cấp cao nhất, cho thấy xu thế chung trong cải cách bộ máy hành chính, lồng ghép các chức năng nhiệm vụ, giảm bớt gánh nặng về ngân sách. Đó là xu thế tất yếu. Còn việc có ý kiến lo ngại một người giữ chức vụ cao, tập trung như vậy có bị lạm quyền không, tôi cho rằng, đây là do con người chứ không phải do cơ chế. Người đứng đầu Đảng đồng thời là người đứng đầu nhà nước mà liêm khiết, trí tuệ, biết tập hợp được khối đại đoàn kết toàn dân, huy động được sức mạnh của nhân dân, đặc biệt phát huy dân chủ, trọng dụng nhân tài thì quyền hạn, trách nhiệm lồng ghép đó sẽ được phát huy tối đa. Chỉ khi nào người đó lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình để vun vén cho lợi ích cá nhân, cho dòng họ, con cái thì mới là cái nguy của đất nước. Nhưng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng không phải là người như vậy.
Ông Lê Thanh Vân (ĐBQH Cà Mau)
Thuận lợi cho quốc gia trong quá trình mở rộng quan hệ ngoại giao
Việc Tổng bí thư được QH bầu làm Chủ tịch nước là việc rất tốt, định hướng được vai trò lãnh đạo của Đảng và chỉ đạo của Chủ tịch nước. Bên cạnh đó, trong việc mở rộng quan hệ đối ngoại với các nước trên thế giới, vai trò của Chủ tịch nước và Tổng bí thư sẽ thống nhất sẽ tạo điều kiện cho quốc gia trong quá trình mở rộng quan hệ ngoại giao. Thêm nữa, sự lãnh đạo của Đảng đồng thời là chỉ đạo của Chủ tịch nước thì rất thuận lợi trong quá trình thực hiện đường lối chủ trương của Đảng, có sự thống nhất, nhất quán giữa hai chức danh.
Ông Nguyễn Ngọc Phương (ĐBQH Quảng Bình)

(Nguồn: https://thanhnien.vn/thoi-su/tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-dac-cu-chu-tich-nuoc-1016392.html)

Date : 26-10-2018
Tags:

Bài viết liên quan