Phải đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt để hoạt động công đoàn tốt hơn

Sáng 22.4, Đoàn giám sát số 1 của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN do đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐĐVN dẫn đầu đã thực hiện  giám sát hoạt động của LĐLĐ TPHCM. Tham gia cùng đoàn còn có thành viên Ủy ban Kiểm tra, Ban Tuyên giáo, Ban Tài chính Tổng LĐLĐVN.

Báo cáo tóm tắt hoạt động năm 2018, ông Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TPHCM cho biết, hiện TPHCM có gần 1,4 triệu đoàn viên. Các phong trào thi đua yêu nước do tổ chức CĐ phát động được các cấp CĐ hưởng ứng, triển khai sâu rộng, phù hợp từng đối tượng công chức, viên chức, CN, NLĐ. Hiệu quả từ các phong trào thi đua yêu nước đã cổ vũ, khích lệ đoàn viên, NLĐ hăng hái tham gia, lao động, sáng tạo, góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị, DN, phát huy dân chủ nội bộ. Tình hình quan hệ lao động trên địa bàn TP khá ổn định, tranh chấp lao động giảm so với năm 2017. 

Các tổ Tư vấn pháp luật CĐ cấp trên cơ sở đã trực tiếp giải quyết và phối hợp giải quyết đơn thư khiếu nại của NLĐ và tham gia giải quyết thành công nhiều vụ tranh chấp lao động tập thể tại địa phương.

Ông Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch thường trực LĐLĐVN (người đứng) báo cáo với đoàn giám sát. Ảnh Anh Tú

Đồng chí Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TPHCM (người đứng) báo cáo với đoàn giám sát. Ảnh Anh Tú

Chương trình “Tấm vé nghĩa tình” tiếp tục được các cấp CĐ triển khai thực hiện, nhận được sự hưởng ứng tham gia ủng hộ của nhiều DN với tổng kinh phí là 45,88 tỉ đồng. Các cấp CĐ đã phối hợp với lãnh đạo đơn vị, chủ DN tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn, bệnh nan y, bệnh hiểm nghèo, với tổng kinh phí gần 228,5 tỉ đồng, trao tặng 77 căn nhà “Mái ấm Công đoàn” cho gia đình đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn với kinh phí trên 4,6 tỉ đồng.

Phong trào “Ôn lý thuyết, luyện tay nghề, thi thợ giỏi” đã có 1.190 CĐCS phối hợp đơn vị, DN tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ, ôn lý thuyết, luyện tay nghề; tổ chức 411 hội thi tay nghề, nâng bậc thợ cấp cơ sở. Qua các hội thi, đã có 30.825 CNLĐ được nâng bậc lương, nâng bậc thợ góp phần ổn định việc làm, thu nhập cho NLĐ.

Bên cạnh những mặt tích cực, tính chủ động của một số CBCĐ và nhận thức của người sử dụng LĐ ở một số nơi vẫn còn có mặt hạn chế, dẫn đến tỷ lệ DN thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc chưa cao, chất lượng các thỏa ước lao động tập thể có cải thiện nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu.

Tỷ lệ thực hiện kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật tại các DN còn thấp, tình trạng DN vi phạm luật lao động, Luật BHXH chưa được xử lý kiên quyết, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ.

Ông Nguyễn Minh Dũng, Trưởng Ban Tài chính Tổng LĐLĐVN, phát biểu tại hội nghị. Ảnh Anh Tú.

Đồng chí Nguyễn Minh Dũng, Trưởng Ban Tài chính Tổng LĐLĐVN phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh Anh Tú.

Việc đổi thẻ đoàn viên còn có nhiều khó khăn do tình hình đoàn viên biến động, kinh phí đổi thẻ lớn. Tình hình thu kinh phí CĐ còn khó khăn do không có chế tài với việc không nộp kinh phí CĐ, nhiều khi đi đôn đốc thì DN không tiếp, phối hợp với các ban ngành cũng chưa có hiệu quả. 

Việc phát triển, bổ sung CBCĐ từ CNLĐ trực tiếp khó khăn do quy định CBCĐ chuyên trách phải là công chức và việc tuyển dụng bị hạn chế vì chủ trương tinh  giảm biên chế. 

Đồng chí Tạ Văn Đồng, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tổng LĐLĐVN, phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh Anh Tú.

Đồng chí Tạ Văn Đồng, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tổng LĐLĐVN phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh Anh Tú

Phát biểu kết luận buổi giám sát, đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN nhận xét việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam ở TPHCM là khá tốt, một số chủ trương đã có hiệu quả ban đầu, chương trình phúc lợi đoàn viên đã phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, cần đẩy mạnh và đổi mới cách thức truyền thông để đoàn viên biết các lợi ích của mình khi tham gia CĐ và hưởng lợi ích từ các chương trình phúc lợi đoàn viên.

Đồng chí Bùi Văn Cường đặc biệt lưu ý tổ chức CĐ TPHCM phải đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt hơn để hoạt động CĐ ở TPHCM tốt hơn và hoạt động của toàn hệ thống tốt hơn. "Phải quy trình hóa, chuẩn hóa hoạt động CĐ. Ví dụ, đại diện bảo vệ chăm lo NLĐ thì cấp cơ sở, cấp trên trực tiếp cơ sở, cấp tỉnh, thành, Tổng LĐLĐ phải làm gì cụ thể chứ không chung chung, rồi không sơ kết, tổng kết để biết đã làm được gì, còn thiếu sót gì. Không đổi mới, không hoạt động có hiệu quả, không làm tốt hoạt động của mình, khi có tổ chức đại diện NLĐ khác ở doanh nghiệp thì tổ chức CĐ sẽ mất đoàn viên, mất địa bàn, mất vai trò bởi tâm lý chung của con người thông thường thích cái mới", đồng chí Bùi Văn Cường nhấn mạnh.

Về thu tài chính CĐ, đồng chí Bùi Văn Cường yêu cầu các cấp CĐ TPHCM phải siết chặt, quyết liệt thu kinh phí công đoàn 2% thông qua tài khoản ngân hàng để công khai, minh bạch tài chính CĐ, tránh tiêu cực.

"Việc thu kinh phí CĐ dù có khó khăn, nhưng không thể nói vì khó khăn để không làm gì. Phải dựa vào quy định của pháp luật để đẩy mạnh thu kinh phí CĐ", đồng chí Bùi Văn Cường nhấn mạnh.

 

Date : 25-04-2019
Tags:

Bài viết liên quan