Công nhân lao động trực tiếp không muốn tăng tuổi nghỉ hưu. Ảnh: NAM DƯƠNG
“Tăng tuổi nghỉ hưu, tăng giờ làm thêm, sao CNLĐ chịu nổi”
Ông Củ Phát Nghiệp - Chủ tịch CĐ Cty PouYuen, Q.Bình Tân, TPHCM - nơi có 63.500 lao động, thẳng thắn: “Công nhân lao động (CNLĐ) trực tiếp không muốn tăng tuổi nghỉ hưu vì điều kiện làm việc hiện nay rất vất vả, ít CN có thể làm đến tuổi nghỉ hưu như quy định”.
Nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng nêu thực tế, đa số CNLĐ trực tiếp của Việt Nam hiện nay vẫn chỉ làm việc chân tay, nặng nhọc. Rất nhiều người không đủ sức khỏe để làm đến khi đủ tuổi nghỉ hưu, nên đành nhận BHXH một lần. Đồng chí Đặng Ngọc Tùng đề nghị vẫn giữ nguyên quy định về tuổi nghỉ hưu như hiện nay (55 với nữ, 60 với nam) và thực hiện đúng quy định tại khoản 3, điều 187 BLLĐ hiện hành, chỉ tăng tuổi nghỉ hưu cao hơn không quá 5 năm đối với NLĐ có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác.
Ông Nguyễn Văn Phê - Chủ tịch CĐ Cty Domex, KCX Linh Trung 1, TPHCM - nói: “Ở nước ngoài, lao động nhẹ nhàng, ăn uống đầy đủ, nên họ kéo dài tuổi nghỉ hưu. Còn CNLĐ chúng ta vừa phải làm việc nặng nhọc, vừa ăn uống thiếu dinh dưỡng, kham khổ, ở trọ tạm bợ thì làm sao đủ sức để kéo dài tuổi nghỉ hưu. Xu thế tiến bộ là tăng lương, giảm giờ làm, còn chúng ta vừa tăng giờ làm thêm, vừa tăng tuổi nghỉ hưu, làm sao CNLĐ chịu đựng nổi”.
Ông Võ Văn Hùng - Chủ tịch CĐ Cty Hansae Việt Nam - đề nghị dự thảo nên quy định theo hướng khi CNLĐ hết tuổi lao động, thì tùy điều kiện sức khỏe và nhu cầu của doanh nghiệp (DN) mà được quyền được chọn có tiếp tục làm việc, đóng BHXH để sau này có lương hưu cao hơn hay chấm dứt HĐLĐ để nghỉ hưu, chứ không bắt buộc phải nghỉ.
Giảm giờ làm, tăng ngày nghỉ
Các ý kiến tại hội nghị đều khẳng định không ai muốn làm thêm, nhưng vì tiền lương làm 8 giờ/ngày không đủ sống, nên nhiều CNLĐ mong muốn được tăng ca để trang trải cuộc sống. Dẫn lại dấu mốc ngày Quốc tế Lao động 1.5, đồng chí Đặng Ngọc Tùng nói, hiện nhiều nước chỉ làm việc 7 giờ/ngày, 35 giờ/tuần để nâng cao chất lượng cuộc sống, nhưng dự thảo vẫn quy định CNLĐ phải làm 48 giờ/tuần, nhiều hơn cán bộ, công chức (CBCC) 8 giờ/tuần. Tính ra, một năm, CNLĐ phải làm việc nhiều hơn CBCC 416 giờ, tạo ra sự bất bình đẳng giữa hai đối tượng.
“Tôi mong muốn các đại biểu Quốc hội hãy đặt mình vào hoàn cảnh của CNLĐ, thấu hiểu điều kiện của họ trước khi thông qua luật”, đồng chí Đặng Ngọc Tùng bày tỏ và đề nghị giảm giờ làm việc xuống chỉ còn tối đa 44 giờ/tuần, giờ làm thêm tối đa 12 giờ/tuần. Vì từ năm 2012, khi xây dựng, Bộ luật Lao động hiện hành đã khống chế làm thêm tối đa 300 giờ/năm, mà dự thảo lần này không tiến bộ hơn, lại đi thụt lùi khi tăng giờ làm thêm lên 400 giờ/năm. Ý kiến này nhận được sự đồng tình, ủng hộ của hầu hết các đại biểu tham dự hội nghị.
Ông Trần Văn Triều - Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật, LĐLĐ TPHCM - nghị: Nếu không tăng được ngày nghỉ lễ có hưởng lương, dự thảo nên quy định tăng ngày nghỉ hàng năm thêm 2 ngày, vì số ngày nghỉ hàng năm, ngày nghỉ lễ, Tết của Việt Nam thấp so với khu vực.
Một số ý kiến đề xuất nên quy định cho lao động nữ nghỉ phép thêm 2 ngày thay vì quy định được nghỉ 30 phút/ngày trong những ngày có kinh nguyệt, vì quy định này trên thực tế là không thể thực hiện do tính chất dây chuyền của công việc và tâm lý ngại ngần của lao động nữ.
Nguyên Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Mai Đức Chính dự báo, nếu dự thảo bỏ quy định về việc doanh nghiệp phải xây dựng thang, bảng lương thì khả năng xảy ra ngừng việc tập thể sẽ tăng. Bởi thực tế, đa phần các cuộc ngừng việc đều có nguyên nhân xuất phát từ tiền lương hay khi doanh nghiệp thực hiện điều chỉnh lương tối thiểu vùng.
Đồng tình ý kiến này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, dự thảo nên có quy định giảm dần tác động của Nhà nước vào việc xây dựng thang, bảng lương chứ không nên bỏ ngay, tránh tác động tiêu cực.
Đồng chí Mai Đức Chính cũng đề nghị, dự thảo không nên quy định can thiệp của Nhà nước vào đình công trong phạm vi doanh nghiệp mà nên để cho CĐ, CNLĐ thương lượng với người sử dụng lao động. Trường hợp nếu đình công ngoài phạm vi doanh nghiệp là gây rối trật tự công cộng, Nhà nước phải xử lý nghiêm.
https://laodong.vn/cong-doan/van-nong-tuoi-nghi-huu-gio-lam-them-gio-lam-viec-744666.ldo