Nguyên lãnh đạo Tổng LĐLĐVN:
“Giảm giờ làm, tăng lợi ích cho người lao động sẽ đảm bảo tăng trưởng kinh tế”
Trao đổi với phóng viên, các ông Phạm Thế Duyệt - nguyên Ủy viên Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam và Đặng Ngọc Tùng - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Đại biểu Quốc hội, nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - đều bày tỏ ủng hộ mạnh mẽ đề xuất giảm giờ làm việc cho người lao động (NLĐ) từ 48 giờ xuống 44 giờ/tuần. Theo các ông, giảm giờ làm phù hợp với xu thế tiến bộ của thế giới, mang lại rất nhiều lợi ích cho NLĐ.
Năng suất lao động không quyết định bằng cơ bắp
Theo ông Phạm Thế Duyệt, một trong những lý do ông ủng hộ giảm thời giờ làm việc là đất nước ta đang chiều hướng phát triển, đời sống nhân dân ngày càng được nâng lên; khoa học công nghệ ngày càng được vận dụng thường xuyên và đưa vào nhiều lĩnh vực. Mặc dù vậy, nói chung, điều kiện lao động của NLĐ còn vất vả. Tiền lương của họ vẫn thấp, chưa thể đủ trang trải lo cho con cái học hành, lo cho gia đình. Giảm giờ làm cho NLĐ là tạo cho họ điều kiện có cuộc sống ngày càng hạnh phúc hơn.
Ngoài ra, giảm giờ làm để NLĐ có thể bồi đắp kiến thức, công nghệ, nghề nghiệp; tạo điều kiện cho NLĐ có sức khỏe để làm việc có thể chỉ 1 giờ nhưng năng suất cao hơn đến 1,5-2 giờ; tạo điều kiện cho NLĐ có điều kiện gắn bó với gia đình để họ yên tâm nhiều hơn với công việc mà họ gánh vác; giúp NLĐ phấn chấn, tạo ra sự phát triển lâu dài, bền vững hơn.
Bên cạnh đó, giảm giờ làm việc còn giúp cải thiện thể hình, thể chất của người Việt. Hiện nay, người dân nói chung và NLĐ nói riêng vẫn còn thấp bé so với nhiều nước khác do một thời gian dài NLĐ phải làm việc nhiều, dinh dưỡng kém.
Đối với ý kiến cho rằng giảm giờ làm sẽ làm giảm tăng trưởng kinh tế, ông Duyệt cho rằng, không nên nghĩ như vậy. “Nói như vậy không đúng với xu thế phát triển. Lực lượng lao động là rất cần thiết nhưng cũng không nên quá coi nặng về lao động cơ bắp, vắt sức NLĐ. Để tăng năng suất lao động mà dựa vào sức, thời giờ làm việc thì không phù hợp với xu thế phát triển trong thời đại công nghiệp 4.0 như bây giờ”.
Giảm giờ làm là cơ sở để tăng năng suất lao động
Cũng như ông Phạm Thế Duyệt, ông Đặng Ngọc Tùng cũng cho rằng, ông ủng hộ giảm thời giờ làm việc cho NLĐ từ 48 giờ xuống 44 giờ/tuần bởi tăng lương, giảm giờ làm là xu thế tiến bộ trên toàn thế giới. “Cần phải tính thời giờ làm việc của NLĐ như thế nào để họ còn có thời gian chăm sóc gia đình, còn có thời gian học hành để nâng cao kiến thức; đồng thời có thời gian hưởng thụ văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần của họ. Hơn nữa, nếu phải làm việc nhiều thì NLĐ không có thời gian chăm sóc gia đình. Đấy là chưa kể họ còn phải tăng ca, làm thêm. Cần phải hiểu rằng NLĐ có sức khỏe, kiến thức, trình độ, năng lực thì năng suất mới cao được; chứ sức khỏe suy giảm, mệt mỏi không những ảnh hưởng đến năng suất, đến NLĐ mà còn ảnh hưởng chung đến cả xã hội”- ông Tùng chia sẻ.
Ông Tùng cho rằng, nếu đồng lương đủ sống thì không một NLĐ nào muốn tăng giờ. Họ muốn có thời gian để chăm sóc gia đình, muốn có thời gian để dẫn những đứa con thân yêu của họ đi chơi, thấy được nhiều cái thú vị của cuộc sống; để học tập, nâng cao kiến thức. Vì vậy, cùng với giảm giờ làm, cần phải trả lương cao hơn cho NLĐ để họ đảm bảo cuộc sống của mình.
Theo ông Tùng, trước mắt, giảm thời giờ làm việc có thể có một số tác động, nhưng đây lại là cơ sở để tăng năng suất lao động. Bởi lẽ, NLĐ có điều kiện để nâng cao trình độ, kiến thức, hiểu biết, cải tiến các phương pháp sản xuất của mình, từ đó năng suất lao động sẽ tăng lên.
Bên cạnh đó, ông Tùng chỉ ra, hiện nay, năng lực quản lý nhiều nơi còn lôi thôi, chồng chéo, kém hiệu quả. Ùn tắc giao thông, phí BOT ở nhiều nơi… khiến chi phí vận tải tăng lên nhiều lần. Vì vậy, phải làm sao quản lý cho thật hiệu quả, giảm đến mức tối đa những chi phí không cần thiết. Đó mới là điều quan trọng chứ không phải kéo dài thời gian làm việc của NLĐ.
“Đối với các DN, đã đến lúc họ phải hiểu rằng, muốn cạnh tranh thắng lợi trên thị trường quốc tế thì cần cải tiến, áp dụng, ứng dụng được những tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào trong quá trình sản xuất, chứ đừng dựa mãi vào lao động giá rẻ, cứ chăm chăm vào đó, ép NLĐ là không được. Làm như vậy, các DN đó sẽ thụt lùi”- ông Tùng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Phạm Thế Duyệt và ông Đặng Ngọc Tùng đều cho rằng, giảm giờ làm cho NLĐ cũng là để NLĐ có được sự công bằng như cán bộ, công chức, viên chức - những người đang làm việc 44 giờ/tuần.
* “Năng suất lao động không quyết định bằng cơ bắp, nhân lực cộng lại. Giảm giờ làm chưa chắc đã giảm tăng trưởng GDP, mà ngược lại, còn tăng, vì nếu NLĐ được nghỉ ngơi, có sức có lực, biết vận dụng khoa học công nghệ, họ có thể làm 1 giờ bằng 1,5 giờ”.
Nguyên Ủy viên Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Phạm Thế Duyệt.
-------
* “Khi NLĐ cứ “bù đầu, bù cổ” vào làm việc, thì sẽ không có những kiến thức cần thiết để nâng cao tay nghề. Năng suất lao động của xã hội không phải chỉ phụ thuộc vào NLĐ, vào thời giờ làm việc, mà phải phụ thuộc vào áp dụng những tiến bộ khoa học vào trong sản xuất, nhất là thời đại 4.0 như hiện nay”.
Nguyên Uỷ viên T.Ư Đảng, nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng
Không để tình trạng trẻ mang sức khỏe đi kiếm tiền, già mang tiền đi mua sức khỏe
Trao đổi với PV Báo Lao Động sáng 27.10, chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) - nhấn mạnh: Chất lượng công việc không phụ thuộc vào số giờ người lao động làm thêm, mà phụ thuộc vào thiết bị, công nghệ, kỹ năng, tay nghề của người lao động và trình độ quản trị của doanh nghiệp. Từ lâu rồi, các DN đã áp dụng mức lương cho người lao động tay nghề cao, có chất lượng và năng suất cao, không phụ thuộc vào thời gian làm việc dài hay ngắn” - TS Nguyễn Đức Độ cho biết.
Việt Nam là một trong 46 nước trên thế giới thực hiện chế độ làm việc 48 giờ/tuần. Các nước trong khu vực cũng đã giảm thời gian làm việc cho người lao động từ 48 giờ xuống 44 giờ/tuần. Thậm chí, Trung Quốc đã thực hiện thời gian làm việc trong tuần có 40 giờ, mà chúng ta vẫn cứ giữ nguyên thời gian làm việc 48 giờ trong tuần là không phù hợp với xu hướng giảm giờ làm, tăng ngày nghỉ trong năm của thế giới. Hơn nữa, nếu không giảm giờ làm việc cho người lao động sẽ tiếp tục tạo ra sự mất công bằng, bất bình đẳng giữa người lao động trong nền kinh tế.
Theo đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội - không nên để cho người lao động phải làm quá sức, kiệt sức để trẻ mang sức khỏe đi kiếm tiền, già mang tiền đi mua sức khỏe. NSLĐ không phải tăng về thời gian, mà là phải giảm thời gian làm việc trên 1 đơn vị sản phẩm hoặc tăng số lượng sản phẩm trên 1 đơn vị thời gian. Vì vậy tăng giờ, tăng thời gian làm thêm không phải là một trong những yếu tố quyết định để tăng NSLĐ. “Tăng NSLĐ, đầu tiên là phải đổi mới công nghệ trong bối cảnh tiến tới cách mạng 4.0. Hai là, phải đổi mới tổ chức sản xuất kinh doanh, nhân sự, quản trị, nhân lực của đơn vị đó. Ba là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nếu sử dụng đội ngũ cán bộ có chuyên môn, năng lực, có trình độ cao thì dứt khoát chúng ta giảm được số người làm việc” - ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.
Thảo luận về vấn đề này tại kỳ họp Quốc hội chiều 23.10, đại biểu Quốc hội - Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, Việt Nam cần có lộ trình chuyển lao động 48 giờ xuống 40 giờ trong vòng 10 năm, có thể trước mắt xuống 44 giờ, sau 2030 kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng thì sẽ làm 5 ngày mỗi tuần với NLĐ; làm thêm giờ, trong ngắn hạn thì doanh nghiệp có thêm lợi nhuận, NLĐ ngắn hạn có thêm thu nhập, nhưng hậu quả trước mắt là sức khoẻ NLĐ giảm sút... KIM KHÁNH