Nâng cao vai trò của tổ chức Công đoàn trong việc chăm lo, đại diện cho người lao động đã giúp ổn định quan hệ lao động hài hòa tại doanh nghiệp

"9 tháng đầu năm, toàn TP HCM xảy ra 12 vụ ngừng việc tập thể, giảm 5 vụ so với cùng kỳ. Tranh chấp lao động (TCLĐ) giảm là nhờ nỗ lực của các cấp Công đoàn (CĐ) đã cùng với các cơ quan chức năng làm tốt công tác tham mưu, nắm bắt tư tưởng và xử lý kịp thời bức xúc của người lao động (NLĐ)" - ông Kiều Ngọc Vũ, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, đã khẳng định như vậy tại hội nghị gặp gỡ, trao đổi về tình hình quan hệ lao động trên địa bàn TP năm 2019 tổ chức chiều 4-11. Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo LĐLĐ và ban dân vận các quận, huyện trên địa bàn TP.

Bình ổn quan hệ lao động

Phân loại các vụ tranh chấp trên địa bàn, ông Kiều Ngọc Vũ cho biết trong 12 vụ tranh chấp có 10 vụ tranh chấp về quyền và 2 vụ tranh chấp về lợi ích. Trong đó, đa số các vụ TCLĐ đều xảy ra tại các doanh nghiệp (DN) có vốn nước ngoài và DN ngoài nhà nước thuộc lĩnh vực dệt may, da giày… Nguyên nhân tranh chấp chủ yếu phát sinh từ việc người sử dụng lao động chưa thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật như không đóng, chậm đóng BHXH, chậm trả lương, không điều chỉnh lương tối thiểu hoặc không triển khai lương, thưởng Tết. Tuy nhiên, các cấp CĐ đã kịp thời phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết, các DN cũng cam kết thực hiện các kiến nghị của NLĐ.

Việc tập trung xây dựng mạng lưới dư luận xã hội tại các DN có đông lao động đã giúp LĐLĐ TP kịp thời nắm bắt diễn biến tư tưởng, đặc biệt là bức xúc của NLĐ để phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết nhằm giúp NLĐ tránh bị lợi dụng, lôi kéo tham gia các hoạt động vi phạm pháp luật.

Là địa bàn "nóng" do có những đơn vị sử dụng đông lao động đóng trên địa bàn, những năm qua, quận Bình Tân, TP HCM đã triển khai nhiều giải pháp để ngăn ngừa TCLĐ. Ông Lưu Huê Phong, Trưởng Ban Dân vận Quận ủy Bình Tân, cho biết để giải quyết TCLĐ, Quận ủy đã thành lập tổ công tác liên ngành. Ban đầu, tổ này chỉ tham gia khâu giải quyết sự cố khi có tranh chấp xảy ra, sau đó hoạt động ngày càng được nâng chất. "Không chỉ tham gia giải quyết, tổ còn mở rộng ra làm 4 nhóm. Các nhóm này có nhiệm vụ rà soát, nắm tình hình tại các DN có đông công nhân (CN). Trên cơ sở thông tin nắm được, tổ sẽ đến tận nơi, trao đổi cụ thể với DN hướng giải quyết căn cơ để ổn định tình hình. Nhờ các nhóm này hoạt động hiệu quả nên tình hình TCLĐ giảm đáng kể" - ông Phong chia sẻ.

Để tạo sự gắn kết với người sử dụng lao động, Quận ủy và các phường còn tiến hành ký kết thỏa thuận với các DN có từ 100 lao động trở lên, đồng thời đôn đốc, giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ tại DN. Qua đó, DN đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc thông tin, phối hợp với chính quyền cải thiện đời sống của NLĐ như chăm lo bữa ăn, tiền nhà trọ…

Ông Võ Khắc Bình - Phó Ban Dân vận Quận ủy quận 7, TP HCM - cũng cho biết trước đây, trung bình mỗi năm, trên địa bàn xảy ra ít nhất 5 vụ ngừng việc. Thế nhưng gần đây, tình hình đã có cải thiện do hoạt động tích cực của tổ công tác liên ngành của quận. Tổ này có nhiệm vụ nắm rõ các DN, đặc biệt là các DN manh nha xuất hiện bất ổn trong quan hệ lao động và chủ động giải quyết bức xúc của NLĐ ngay từ đầu. Từ đầu năm đến nay, có 3 vụ TCLĐ được giải quyết ổn thỏa. UBND quận còn thành lập điểm tư vấn pháp luật miễn phí. Mỗi tuần, điểm này sẽ tổ chức 3 buổi tư vấn pháp luật cho NLĐ sau giờ làm việc, đến nay đã hỗ trợ giải quyết vướng mắc cho hơn 100 trường hợp.

Ngăn ngừa tranh chấp lao động từ gốc - Ảnh 1.

Bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: CAO HƯỜNG

Khẳng định vai trò Công đoàn

TCLĐ giảm là nỗ lực của cả hệ thống chính trị, trong đó có tổ chức CĐ. Bà Nguyễn Thị Kim Vui - Trưởng Ban Dân vận Quận ủy Tân Phú, TP HCM - cho biết thời gian qua, với sự tham mưu tích cực của LĐLĐ quận, nhiều hoạt động chăm lo cải thiện đời sống NLĐ đã được triển khai. Trong đó phải kể đến việc nâng cao trình độ tay nghề cho NLĐ, tổ chức các sân chơi, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho NLĐ, việc xây dựng nhà trọ văn minh nghĩa tình, bán hàng giảm giá cho NLĐ, thành lập điểm tư vấn pháp luật miễn phí trong KCN cho NLĐ… Ngoài ra, CĐ tham mưu kịp thời để thành lập tổ công tác vận động thành lập tổ chức CĐ, nghiệp đoàn với sự tham gia của Ban Dân vận, tổ chức CĐ và 11 phường, qua đó đã thành lập 3 nghiệp đoàn và ký kết thỏa ước lao động tập thể tại 2 DN chưa có CĐ. "Đặc biệt, LĐLĐ quận đã làm tốt việc nắm bắt nguyên nhân tranh chấp và kịp thời tham mưu cách giải quyết. Sau tranh chấp, LĐLĐ quận vẫn tiếp tục đồng hành, hỗ trợ DN ổn định quan hệ lao động. Sự nhạy bén này của LĐLĐ quận đã góp phần tạo dựng uy tín với cả NLĐ lẫn DN" - bà Vui bày tỏ.

Ông Nguyễn Khắc Quang - phụ trách công tác dân vận, Đảng ủy các KCX-KCN TP - cho biết từ khi Đảng ủy các KCX-KCN ký kết chương trình phối hợp với 10 quận, huyện có KCX-KCN trong việc tuyên truyền giáo dục, nắm bắt tình hình tranh chấp và chăm lo cho NLĐ thì TCLĐ tại 17 KCX-KCN giảm đáng kể. Trong đó, không thể không nhắc đến sự tham gia tích cực của tổ chức CĐ trong việc chăm lo và đại diện cho NLĐ.

Phát biểu tại hội nghị, bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch LĐLĐ TP, khẳng định xây dựng quan hệ lao động hài hòa ổn định, tiến bộ tại DN là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, trong đó có tổ chức CĐ. Do đó, thời gian vừa qua, cùng với sự phối hợp chặt chẽ của các cấp ủy, chính quyền, các cấp CĐ đã triển khai nhiều biện pháp để bảo vệ quyền lợi của NLĐ, góp phần kéo giảm TCLĐ. "Trong giai đoạn bùng nổ thông tin hiện nay, các cấp CĐ cần tăng cường nắm bắt thông tin và nâng chất thương lượng tập thể, kể cả ở những nơi chưa có tổ chức CĐ. Chỉ có như vậy, CĐ mới củng cố được vị trí, vai trò của mình và chăm lo tốt hơn cho NLĐ" - bà Thúy lưu ý.

Bà NGUYỄN TRẦN PHƯỢNG TRÂN, Phó Ban Dân vận Thành ủy TP HCM:

Thực hiện tốt chức năng đại diện

Hiệp định CPTPP có hiệu lực không chỉ là thách thức với tổ chức CĐ mà cũng khiến nhiều DN lo lắng khi sẽ có thêm nhiều tổ chức đại diện cho NLĐ. Do vậy, nếu CĐ cơ sở hoạt động thực chất, làm tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền lợi đoàn viên và NLĐ thì sẽ củng cố được vị trí của mình. Thực tế cho thấy nơi nào CĐ cơ sở mạnh và phát huy được vai trò thì quan hệ lao động sẽ hài hòa, ổn định. Tết nguyên đán sắp đến, tổ chức CĐ cần phải tập trung phối hợp để nắm chắc tình hình điều chỉnh lương tối thiểu vùng, tiền thưởng trong dịp Tết, phải có kế hoạch chăm lo Tết cụ thể, trong đó xác định những việc làm trọng tâm để chăm lo tốt đời sống NLĐ.

THANH NGA

(Nguồn: https://nld.com.vn/cong-doan/ngan-ngua-tranh-chap-lao-dong-tu-goc-20191104230106486.htm)

Date : 05-11-2019
Tags:

Bài viết liên quan